Theo The Register, thương hiệu Toshiba hiện nay sẽ tồn tại dưới danh nghĩa công ty Toshiba Tec Corporation - đơn vị cung cấp máy in, bộ mã vạch và thiết bị bán hàng. Tập đoàn cũng bán 40% cổ phần đang nắm giữ tại nhà sản xuất bộ nhớ Kioxia, số tiền thu được sẽ chia cho các cổ đông.
Toshiba sẽ chia thành 3 công ty, cơ cấu lại hoạt động. Ảnh: CNN. |
Một bộ phận khác trở thành công ty Device Co., kế thừa mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba, bao gồm thành phẩm và dây chuyền sản xuất, cùng với mảng kinh doanh ổ cứng. Hiện tại doanh thu của Toshiba trên lĩnh vực này vào khoảng 6,7 tỷ USD/năm.
Công ty con thứ 3 mang tên Infrastructure Service Co., tham gia lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, năng lượng tái tạo, các giải pháp cơ sở hạ tầng công cộng, đường sắt, giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin cho chính phủ và doanh nghiệp.
Infrastructure Service sẽ đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia trên thế giới tiến tới trung hoà carbon. Sau khi tách khỏi Toshiba, công ty này dự kiến có doanh thu hàng năm khoảng 18 tỷ USD.
Theo The Register, hãng điện tử Nhật Bản áp dụng biện pháp chia nhỏ nhằm tạo điều kiện cho mỗi bộ phận tập trung hơn vào lĩnh vực kinh doanh của mình, ra quyết định nhanh chóng và tiết giảm chi phí hoạt động.
Satoshi Tsunakawa, Chủ tịch kiêm CEO tạm quyền của Toshiba, cho biết sự thay đổi này là ví dụ cho thấy hãng tiếp tục dẫn đầu các xu hướng tiên tiến toàn cầu.
"Chúng tôi tin rằng việc tách doanh nghiệp có tính hấp dẫn và thuyết phục; nó sẽ khai mở giá trị to lớn bằng cách loại bỏ sự phức tạp, cho phép các bộ phận quản lý tập trung hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định nhanh chóng", Satoshi Tsunakawa giải thích thêm.
Hàng loạt quyết định quan trọng của Toshiba được đề xuất bởi Uỷ ban Đánh giá Chiến lược (SRC). Đây là bộ phận thành lập vào tháng 5, sau khi Toshiba từ chối "bán mình" cho quỹ đầu tư CVC.
Sau khi vụ việc không thành, CEO Nobuaki Kurumatani đã từ chức. Đến nay, tập đoàn vẫn chưa chỉ định người điều hành lâu dài.
Sóng gió tiếp tục kéo đến với Toshiba. Ngày 25/6, các cổ đông nước ngoài bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama sau cuộc họp kéo dài 3 giờ.
WSJ dẫn lời nhà phân tích thị trường Masahiro Ichikawa của hãng Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận định sự kiện chấn động này là diễn biến đỉnh điểm của 6 năm hỗn loạn tại tập đoàn điện tử Nhật Bản.