Top 5 không quân mạnh nhất Đông Nam Á (kỳ 2)
Kết hợp cả máy bay Mỹ, Anh và Nga trong cùng một tổ chức, Không quân Hoàng gia Malaysia là lực lượng đa quốc tịch nhất ở Đông Nam Á.
Number-3: Malaysia
Không quân Hoàng gia Malaysia RMAF là lực lượng được thành lập sớm thứ 3 ở Đông Nam Á. Cơ cấu tổ chức của họ có ảnh hưởng rất lớn từ Không quân Hoàng gia Anh do trước đây nước này là thuộc địa của Anh. Không quân Hoàng gia Anh cũng đã huấn luyện và xây dựng nên Không quân Hoàng gia Malaysia hiện nay.
Su-30MKM là tiêm kích hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với hệ thống điện tử hàng không tối tân. Đây là chiếc Su-30 mạnh thứ 2 trong gia đình Su-30MK mà Sukhoi từng sản xuất cho xuất khẩu. |
Sau khi quân đội Anh rút khỏi Malaysia vào những năm 1970, không quân nước này bắt đầu tiến hành quá trình hiện đại hóa. Họ đã mua từ Mỹ 16 chiếc F-5E Tiger II, trong đó có một số chiếc RF-5E hoạt động với vai trò trinh sát, mua lại 88 chiếc A-4C đã qua sử dụng của Hải quân Mỹ trong đó có 40 chiếc đã được nâng cấp với cấu hình tương tự A-4M của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ áp đặt những hạn chế về xuất khẩu vũ khí đối với các quốc gia như Malaysia nên họ không thể có được các tên lửa không đối không tầm xa. Do đó, Malaysia phải tìm đến các nguồn cung cấp khác như Nga để bổ sung cho trang bị.
Vào những năm 1990, RMAF trải qua quá trình hiện đại hóa thứ 2 bằng việc mua 13 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ BAE Hawk Mk108/208 từ Anh. Giai đoạn này chứng kiến một sự chuyển đổi bất ngờ về mặt trang bị của RMAF, họ đã mua 12 chiếc MiG-29N từ Nga trong đó có 2 chiếc MiG-29NUB phục vụ cho huấn luyện.
Đến năm 1997, do không muốn để mất thị phần tại Malaysia, Mỹ đã chiều lòng nước này bằng việc cung cấp cho họ 8 chiếc tiêm kích đa nhiệm F/A-18D với khả năng hoạt động chiến đấu bất kể ngày đêm. Đây là biến thể 2 chỗ ngồi của F/A-18. Tuy nhiên, vẫn không rõ Washington có đồng ý bán cho RMAF các loại tên lửa không đối không tầm xa AIM-120AMRAAM hay không.
MiG-29N, F/A-18D của RMAF và F/A-18A của Không quân Hoàng gia Australia trong một cuộc tập trận. |
Sau thương vụ F/A-18D, những chiếc MiG-29N của Malaysia bắt đầu có vấn đề, phụ tùng thay thế từ Nga rất khan hiếm và chậm chạp khiến khả năng hoạt động trực chiến của những chiếc MiG-29N không cao.
Đã thế, chi phí vận hành và bảo dưỡng đối với những chiếc MiG-29N lại rất đắt đỏ. Tuy nhiên, đến năm 2003 Malaysia bất ngờ công bố hợp đồng mua 18 chiếc tiêm kích đa nhiệm Su-30MKM từ tập đoàn Sukhoi của Nga. Cùng với đó là hợp đồng mua tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-77, tên lửa không đối không tầm trung R-27.
Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet biến thể mới nhất, hiện đại nhất của gia đình F/A-18 mà Boeing của Mỹ mang đến giới thiệu cho RMAF đã bị loại. Hợp đồng này khiến người ta lờ mờ hiểu ra rằng Washington vẫn chưa đồng ý cung cấp các tên lửa hàng không hiện đại cho RMAF và họ phải tìm đến Nga.
Theo yêu cầu của RMAF, Su-30MKM chia sẻ đến 95% kết cấu phần cứng tương tự như Su-30MKI của Ấn Độ. Ngoài ra tiêm kích này còn được bổ sung các công nghệ sử dụng cho tiêm kích Su-35 và mẫu thử nghiệm công nghệ Su-37. Su-30MKM được đánh giá là tiêm kích hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2 khu vực châu Á sau Su-30MKI của Ấn Độ.
KC-130 đang tiếp nhiên liệu cho 2 chiếc F/A-18D của RMAF, khả năng vận tải đường không của RMAF được đánh giá khá cao. |
Cảm biến chính của Su-30MKM là radar quét mạng pha điện tử bị động N011M Bars, giúp nó trở thành tiêm kích thứ 2 sau Su-30MKI được trang bị loại radar tối tân này.
Radar N011M có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 400 km, theo dõi mục tiêu từ khoảng cách 200 km trong chế độ không đối không. Radar này có thể khóa một chiếc MiG-29 ở cự ly 140 km ở bán cầu trước và 60 km ở bán cầu sau.
Trong chế độ không đối đất và đối hải, radar này có thể theo dõi 2 mục tiêu cùng lúc, radar N011M phát hiện ra xe tăng ở cự ly từ 40-50 km, phát hiện một tàu khu trục ở cự ly từ 80-120 km. Ngoài ra, radar này còn có chế độ lập bản đồ mặt đất bằng cách sử dụng chùm tia thực hoặc sử dụng xung Doppler với chế độ khẩu độ tổng hợp với độ phân giải tối đa là 10 mét.
Radar N011M cung cấp khả năng theo dõi 15 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc, bộ vi xử lý có thể duy trì việc theo dõi mục tiêu trong khi đang quét các khu vực khác. N011M Bars là radar mạnh nhất từng được trang bị cho Su-30MK.
Năng lực vận tải đường không của RMAF được đánh giá khá mạnh với tổng số 48 chiếc đang hoạt động. Họ có phi đội 19 chiếc máy bay vận tải đa năng C-130 trong đó có 4 chiếc KC-130 phục vụ cho nhiệm vụ tiếp dầu trên không. Trong năm 2005, RMAF cũng đã đặt hàng 4 chiếc vận tải cơ hàng khủng A-400M của châu Âu để nâng cao khả năng vận tải hàng không chiến lược. Dự kiến các máy bay này sẽ được giao hàng trong năm 2016.
Về lực lượng trực thăng, RMAF có tổng cộng 75 chiếc với đủ quốc tịch Nga, Mỹ, Italy, Pháp. Lực lượng trực thăng này chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ vận tải và không có chiếc trực thăng tấn công nào. Khả năng chi viện hỏa lực đường không của RMAF tương đối hạn chế. Các máy bay chiến đấu của họ chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ ngăn chặn trên không và bảo vệ không phận.
Mặc dù Su-30MKM hay F/A-18D đều là những tiêm kích đa nhiệm nhưng nó thiếu các hệ thống vũ khí chuyên dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Một hạn chế khác của RMAF là việc sử dụng tiêm kích đa quốc tịch khiến việc tích hợp các hệ thống vũ khí và thông tin liên lạc trở nên khó khăn hơn.
quốc việt
Theo Infonet