Top 20 tiền đạo tệ hại nhất lịch sử Premier League
Thứ bảy, 7/10/2017 19:23 (GMT+7)
19:23 7/10/2017
Những "chân gỗ" như Jo hay Sanogo và cả cú lừa thế kỷ mang tên Ali Dia đã cùng nhau tạo nên dàn tiền đạo tệ hại nhất lịch sử Premier League.
20. Roberto Soldado: Rủng rỉnh tiền sau vụ bán Bale sang Real Madrid, Spurs quyết định bạo chi 26 triệu bảng để sở hữu chân sút sáng giá nhất Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Soldado. Trái với thành tích "khủng" trong mùa cuối cùng ở La Liga (24 bàn/35 trận), cựu ngôi sao Valencia chỉ nổ súng 6 lần (4 penalty) trong mùa đầu tiên chơi bóng ở Ngoại hạng Anh. Sau 2 năm kinh hoàng tại Premier League, Soldado quyết định hồi hương trong màu áo Villareal nhưng cũng không thể lấy lại phong độ.
19. Jo: Với tham vọng đưa Man City trở thành thế lực mới của bóng đá Anh, các ông chủ Ả Rập đã liên tục đem về nhiều tân binh đắt giá như Jo, Robinho,... và phần còn lại đã trở thành lịch sử. Chỉ sau 1 tháng đặt chân tới Anh, Jo đã chứng minh cho cả thế giới thấy anh là một quả bom xịt hạng nặng. Với 1 bàn sau 9 trận đầu mùa, Jo bị Man City đẩy sang Everton dưới dạng cho mượn ngay ở nửa sau mùa giải.
18. Yaya Sanogo: Chuyển tới Arsenal sau khi tỏa sáng rực rỡ tại Ligue 2, Sanogo nhận được rất nhiều kỳ vọng từ huấn luyện viên Wenger. Nhưng đáp lại niềm tin của ông thầy người Pháp, Sanogo chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn sau 20 trận trên tất cả các đấu trường. Ở kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, tiền đạo này gia nhập Toulouse sau khi kết thúc hợp đồng với Arsenal.
17. Sean Dundee: Những tuyên bố hùng hồn của huấn luyện viên Houllier trước khi Dundee gia nhập Liverpool đã khiến nhiều cổ động viên kỳ vọng vào một tài năng trẻ sáng giá. Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn 5 tháng sau, vị chiến lược gia người Pháp khẳng định Dundee không còn nằm trong kế hoạch của ông và sẽ tốt hơn nếu anh tìm kiếm cơ hội ở đội bóng khác.
16. Grzegorz Rasiak: Phong độ ấn tượng của Rasiak trong màu áo Derby đã khiến cầu thủ này được Tottenham chú ý. Tuy nhiên, chuỗi tịt ngòi trong 8 trận đầu tiên đã khiến chân sút người Ba Lan dần chìm vào quên lãng. Rasiak tiếp tục tỏa sáng ở giải hạng dưới trong màu áo Southampton dưới dạng cho mượn nhưng khi trở lại Ngoại hạng Anh với Bolton thì tiền đạo này lại bắt đầu chuỗi ngày "mất tích".
15. Mateja Kezman: Thành tích 105 bàn sau 122 trận cho PSV của Kezman đã thuyết phục Jose Mourinho duyệt chi 5,3 triệu bảng để đưa anh về Stamford Bridge. Tuy nhiên, phải tới tháng 12 Kezman mới có bàn đầu tiên tại giải đấu mới và trong quãng thời gian còn lại anh cũng chỉ ghi thêm được 3 bàn cho The Blues. Bằng một phép màu nào đó, Chelsea vẫn đẩy được "quả tạ" này sang Atletico và thu về đúng 5,3 triệu bảng.
14. Tomas Brolin: Ánh hào quang tại Euro 92 đã mãi ở lại sau lưng Brolin do thói ăn uống vô độ khiến anh trở nên béo phì. Tiền đạo này chỉ ghi được 4 bàn sau 20 trận cho Leeds trước khi bị đem cho mượn 2 năm ở Zurich và Parma. Anh trở lại Premier League trong màu áo Crystal Palace nhưng cũng không ghi được thêm bàn nào tại giải đấu hấp dẫn nhất xứ sương mù.
13. Bosko Balaban: 5,8 triệu bảng là số tiền Aston Villa đã phải trả để có được Vua phá lưới giải vô địch Croatia. Bất chấp phong độ tuyệt vời thời còn ở Dinamo Zagreb, Balaban hoàn toàn chết chìm tại Premier League với chỉ 9 trận ra sân sau gần 2 năm rưỡi, 7 trong số đó là từ ghế dự bị.
12. Vicent Janssen: Để thoát dần sự phụ thuộc vào Harry Kane, ban lãnh đạo Spurs đã duyệt chi 17 triệu bảng cho chân sút đình đám của AZ, Vicent Janssen. Nhưng giống như Soldado, cầu thủ người Hà Lan đã đánh mất chính mình ngay trong mùa đầu tiên chơi bóng tại Premier League. Anh ghi được 6 bàn trên mọi mặt trận nhưng 4 trong số đó đến từ các quả phạt đền. Quá chán nản, Spurs quyết định để Janssen tới Fenerbahce dưới dạng cho mượn và không hẹn ngày trở lại.
11. Xisco: Chiêu mộ Xisco là một quyết định khó hiểu của Newcastle khi họ đã sở hữu tới 6 tiền đạo trong đội hình, gồm Michael Owen, Obafemi Martins, Mark Viduka, Peter Lovenkrands, Shola Ameobi và Andy Carroll. Thậm chí cầu thủ người Tây Ban Nha còn không có tên trong danh sách dự bị trong năm đầu tiên đến thi đấu cho Newcastle. Sau 5 năm thi đấu tại Anh, Xisco chỉ có 9 lần ra sân
.
10. Erik Meijer: Tiền đạo người Hà Lan tới Liverpool theo dạng chuyển nhượng tự do sau quãng thời gian khá thành công ở Leverkusen. Nhưng suốt 2 năm chơi bóng ở Ngoại hạng Anh, Meijer không thể ghi nổi bàn nào và đành trở lại Bundesliga để cứu vãn sự nghiệp. Dẫu vậy, chân sút này vẫn nhận được nhiều sự yêu quý từ các cổ động viên The Kop.
9. Ricky van Wolfswinkel: Năm 2013, Norwich đã phải chi tới 8,5 triệu bảng để có chữ ký của Wolfswinkel. Tiền đạo người Hà Lan nổ súng ngay trong trận ra mắt nhưng lại bất lực trong việc tìm kiếm bàn thắng thứ hai cho đến cuối mùa giải.
8. Andreas Cornelius: Bản hợp đồng kỷ lục trị giá 8 triệu bảng của Cardiff dành cho Cornelius, tài năng trẻ 20 tuổi sáng giá của Copenhagen, cuối cùng chỉ đem về những tiếng thở dài thất vọng. Sao mai người Đan Mạch trải qua chuỗi 11 trận không ghi nổi bàn trước khi bị bán trở lại Copenhagen vào tháng 1/2014.
7. Konstantinos Mitroglou: Trong nỗ lực trụ hạng, ban lãnh đạo Fulham đã quyết định phá két đón Mitroglou với bản hợp đồng kỷ lục trị giá 12 triệu bảng vào năm 2014. Tuy nhiên, những gì họ nhận được chỉ là 3 trận ra sân cùng vô số các chấn thương và nhiều vấn đề thể lực khác của tiền đạo người Hy Lạp.
6. Victor Anichebe: Tính tới nay, Anichebe đã trải qua 12 mùa giải tại Premier League trong màu áo ba đội bóng Everton, West Brom và Sunderland. Tuy nhiên, số bàn thắng mà tiền đạo này ghi được chỉ là 27 bàn sau... 197 lần ra sân. Như vậy, tính trung bình cứ 7 trận Anichebe mới nổ súng 1 lần. Thật khó tin chân sút người Nigeria có thể trụ lâu đến vậy ở giải đấu cao nhất nước Anh.
5. Afonso Alves: Tiếp tục là một bản hợp đồng kỷ lục chìm trong thất vọng khi Middlesbrough đã phải chi tới 12,5 triệu bảng cho chân sút người Brazil vào năm 2008. Thành tích 10 bàn sau 42 trận trên mọi đấu trường của Afonso Alves đã gián tiếp đẩy Boro xuống hạng vào cuối mùa giải.
4. Stéphane Guivarc'h: Huấn luyện viên Kenny Dalglish hẳn đã nhìn ra điều gì đó đặc biệt ở chàng tiền đạo người Pháp khi quyết định đem anh về Newcastle với mức phí 3,5 triệu bảng vào năm 2008. Tuy nhiên, Dalglish đã bị sa thải không lâu sau đó và người thay thế ông là Ruud Gullit lại không quá mặn mà với Guivarc'h. Kết quả cựu tiền đạo Auxerre bị đẩy đi ngay trong tháng 11 cùng năm khi anh chỉ kịp ghi 1 bàn cho "Chích chòe".
3. Ade Akinbiyi: Năm 2000, Leicester City quyết định mua lại Akinbiyi từ Wolverhampton Wanderers với giá 5,5 triệu bảng sau chuỗi thành tích khá ấn tượng của tiền đạo này ở giải hạng dưới. Ngờ đâu đây lại trở thành một trong những sai lầm lớn nhất của Bầy cáo. Sau 58 trận chỉ ghi được 11 bàn cho Leicester cùng vô số cơ hội mười mươi bị bỏ lỡ, chân sút người Nigeria được các fan Ngoại hạng Anh ưu ái đặt cho biệt danh "Akinbiyi hoảng sợ".
2. Ali Dia: Huyền thoại của những huyền thoại hay tiền đạo siêu phàm là những mỹ từ mà các cổ động viên Ngoại hạng Anh dành tặng cho Dia sau cú lừa ngoạn mục với Southampton. Câu chuyện bắt đầu từ một cú điện thoại được cho là của George Weah, cầu thủ châu Phi đầu tiên giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, tới ban lãnh đạo The Saints để giới thiệu về một người anh họ tài năng không kém cạnh nhưng chưa tìm được bến đỗ thích hợp. Southampton nhanh chóng ký hợp đồng với Dia và cũng chóng vánh nhận ra mình đã dính cú lừa thế kỷ. Huyền thoại Dia được ra sân 53 phút ở Ngoại hạng Anh và bị thanh lý hợp đồng chỉ 2 tuần sau khi ký kết do không có khả năng chơi bóng.
1. Jozy Altidore: Ba năm chơi bóng cho Hull City và Sunderland ở Ngoại hạng Anh, Altidore ra sân tổng cộng 70 trận và ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng. Phải tới khi chuyển tới Mỹ thi đấu, Altidore mới thực sự là chính mình khi ghi được 36 bàn sau 72 trận cho Toronto.
Đằng sau cuộc hành trình trên đất Tây Ban Nha của chàng trai trẻ Ivan Rakitic là một câu chuyện tình vượt phim Hollywood và niềm đam mê với thứ bóng đá "nguyên thủy" từ Barcelona.