Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nói cần phải tránh "sự suy thoái kinh tế (ở Afghanistan) có thể dẫn đến những hậu quả nhân đạo kinh hoàng".
“Chúng ta phải duy trì đối thoại với Taliban để khẳng định các nguyên tắc của mình một cách trực tiếp - một cuộc đối thoại trên tinh thần đoàn kết với người dân Afghanistan”, ông nói, theo AFP ngày 9/9.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho rằng đây là điều bắt buộc "nếu chúng ta muốn Afghanistan không trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố, nếu chúng ta muốn phụ nữ và trẻ em gái không bị mất tất cả quyền lợi, nếu chúng ta muốn các nhóm dân tộc khác nhau cảm thấy họ được lên tiếng".
Trước đó cùng ngày, bà Deborah Lyons - đại diện đặc biệt của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Afghanistan - phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: “Cần phải nhanh chóng tìm ra cách dàn xếp giữa các bên, cho phép nguồn tiền đến Afghanistan để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế và trật tự xã hội”.
Bà kêu gọi thế giới ít nhất hãy trao cơ hội cho Taliban, nếu không, kết quả sẽ là "một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến hàng triệu người khác rơi vào cảnh đói nghèo, có thể tạo ra một làn sóng lớn người tị nạn từ Afghanistan và thực sự khiến Afghanistan tụt hậu nhiều thế hệ”.
Bà cảnh báo nhà chức trách mới của Afghanistan đang không thể trả lương cho người lao động. Nước này có nguy cơ đối mặt với cơn bão khủng hoảng bao gồm tiền tệ rơi giá, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh, và tình trạng thiếu tiền mặt tại các ngân hàng tư nhân.
Các nhà tài trợ nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp hơn 75% chi tiêu công dưới thời chính phủ vừa bị lật đổ của Afghanistan. Nguồn tiền đã bị dừng lại khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào tháng trước.
Người dân ngồi dọc con đường bên ngoài một ngân hàng ở Kabul để chờ rút tiền, ngày 4/9. Ảnh: AFP. |
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tỏ ra cởi mở về việc viện trợ nhân đạo cho Afghanistan trong chế độ mới, nhưng nói rằng bất kỳ hành động nào mang tính viện trợ trực tiếp cho nền kinh tế, bao gồm cả việc giải phóng khoảng 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, sẽ phụ thuộc vào hành động của Taliban.
Bà Lyons đồng ý rằng "phải tạo ra các biện pháp bảo vệ để đảm bảo số tiền này được chi tiêu đúng nơi cần tiêu và không bị các nhà chức trách hiện tại (của Afghanistan) sử dụng sai mục đích".
Tuy nhiên, bà nói thêm: "Nền kinh tế nước này phải được ‘thở’ thêm vài tháng nữa, cho phép Taliban có cơ hội thể hiện sự linh hoạt và quyết tâm thay đổi của họ, đặc biệt là từ góc độ nhân quyền, giới tính và chống khủng bố”.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho biết Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất, với 72% người dân thu nhập không quá 1 USD mỗi ngày.
Giám đốc khu vực châu Á của chương trình, Kanni Wignaraja, cho biết con số này có thể tăng lên 97% vào giữa năm 2022 do nguồn viện trợ nước ngoài cạn kiệt và đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng.