“Như mọi ngày, chúng tôi dành sự quan tâm tối đa đến việc cung cấp cho quân đội những vũ khí cần thiết. Đây là mục tiêu số một của đất nước. Tôi biết ơn những đối tác cuối cùng đã lắng nghe chúng tôi, những người cung cấp chính xác những gì chúng tôi cần”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu ngày 22/4.
Tuần này, các nước phương Tây đã cam kết tăng cường viện trợ vũ khí, đặc biệt là pháo hạng nặng cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/4 công bố thêm gói viện trợ vũ khí bổ sung 800 triệu USD, với hàng chục lựu pháo và drone chiến thuật.
Ông Biden nói việc quốc tế chuyển giao vũ khí cho Ukraine là "lý do rõ rệt Ukraine có thể ngăn chặn quân Nga kiểm soát thành phố cho đến hiện tại", theo Reuters.
Ngày 22/4, Pháp cho biết sẽ viện trợ pháo tự hành CAESAR do nước này chế tạo vào cuối tháng 4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine với một lằn ranh đỏ để không lấn sâu vào xung đột.
Pháo tự hành CAESAR mà Pháp nói sẽ viện trợ cho Ukraine vào cuối tháng 4. Ảnh: Nexter. |
Cũng trong tuần này, Canada, Anh và Hà Lan cam kết viện trợ pháo hạng nặng cho Kyiv.
Tính đến nay, khoảng 30 quốc gia, bao gồm cả những nước không phải thành viên NATO, đang nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Giới chuyên gia cho rằng việc điểm nóng chiến sự hướng về Donbas buộc Ukraine phải có nhiều vũ khí hạng nặng để phòng thủ, đặc biệt là các loại lựu pháo, so với các loại tên lửa cầm tay nhận được trong giai đoạn đầu.
Sau khi Điện Kremlin tuyên bố chuyển mục tiêu, tập trung “giải phóng” miền Đông Ukraine, Washington và các đồng minh cũng thay đổi kế hoạch, cung cấp cho Ukraine những vũ khí lớn hơn và tiên tiến hơn.
Địa hình tương đối bằng phẳng ở nơi này phù hợp với chiến thuật cơ động đánh tạt sườn. Khi đó, xe tăng và các lực lượng trên bộ khác sẽ được hỗ trợ bởi pháo tầm xa như lựu pháo 155 mm trong khi di chuyển.