Phát biểu sau khi trở về từ Trung Quốc, lúc dừng chân ở Vancouver, Canada, Tổng thống Maduro tiết lộ đã nhận được thông tin tình báo mà ông cho là “2 vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”. Chính điều này đã buộc ông phải hủy tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Tôi quyết định trở lại Caracas và hủy chuyến đi New York để bảo vệ toàn vẹn thân thể và cuộc sống của tôi”, ông Maduro nói trước báo chí.
Tổng thống Nicolas Maduro. Ảnh: AFP. |
Theo kế hoạch, ông Maduro sẽ phát biểu tại Liên Hiệp Quốc lúc 15 giờ hôm 25/9 (giờ địa phương), nhưng đến phút cuối thì tên ông không còn xuất hiện trong danh sách đại biểu tham dự cuộc họp.
Hôm 23/9, ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua nói rằng đoàn đại biểu nước này không thể xác nhận sự xuất hiện của Tổng thống Maduro tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và yêu cầu cần phải có "sự tôn trọng từ Mỹ". Venezuela được cho là tức giận với Mỹ trong vấn đề cấp visa cho phái đoàn tháp tùng. Sự việc khiến Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Samuel Moncada phải gửi thư đến Tổng thư ký Ban Ki-moon yêu cầu có các biện pháp phản đối Mỹ.
Hồi đầu tháng 9, ông Maduro từng tuyên bố Nhà Trắng đang có âm mưu “làm sụp đổ” chính phủ của ông bằng cách phá hoại vấn đề lương thực, điện và cung cấp nhiên liệu. Những lãnh đạo tiền nhiệm của ông Maduro cũng thường cáo buộc Mỹ có âm mưu giết hại họ.
Giờ đây không chỉ có Venezuela không hài lòng trước thái độ của Mỹ. Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng cho biết ông sẽ đệ đơn kiện chính quyền Mỹ tội chống lại loài người vì vi phạm luật pháp quốc tế.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff phát biểu hôm 24/9 tại Đại hội đồng và chỉ trích chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) mà Edward Snowden tiết lộ là vi phạm luật pháp quốc tế. Đầu tháng 9, người tiền nhiệm của bà Rousseff, cựu tổng thống Lula da Silva, còn yêu cầu ông Obama phải “xin lỗi thế giới”.