"Vụ quấy rối tổng thống lớn nhất trong lịch sử. Sau khi bỏ ra 40 triệu USD trong hai năm đen tối, với quyền tiếp cận, nguồn lực và sự hợp tác không giới hạn", Tổng thống Donald Trump trút giận trên Twitter ngày 30/5.
"Ông Robert Mueller, vốn có xung đột lợi ích, đáng lẽ phải đưa ra cáo buộc tội danh nếu thật sự có bằng chứng trong tay. Nhưng cuối cùng không có cáo buộc nào cả", ông Trump đồng thời khẳng định bản thân "không liên quan gì đến việc được nước Nga giúp đắc cử".
Tổng thống Trump trả lời báo giới ở thảm cỏ bên ngoài Nhà Trắng ngày 30/5. Ảnh: AP. |
Đây dường như là lần đầu tiên ông Trump vô tình thừa nhận đã có sự giúp đỡ của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống, theo AP. Ông Trump nhanh chóng sửa lại lời nói của mình khi trả lời phóng viên ở Nhà Trắng.
"Nga không giúp tôi. Bạn hỏi ai giúp tôi đắc cử à? Là tôi giúp tôi đắc cử. Nga chẳng giúp được gì", ông nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục gọi cuộc điều tra về mối quan hệ giữa ông và việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là "tin bịp săn phù thủy". Ông Trump cho rằng ông không thể ngồi yên, có quyền chống lại những "cáo buộc sai trái" và "hành vi phạm tội không có thực" nhắm vào ông. Ông cũng nhấn mạnh sự phản kháng của mình không phải là cản trở công lý.
Ông Trump lại dậy sớm vào ngày 30/5 để trút giận trên mạng xã hội Twitter về cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Twitter. |
Dù không có bằng chứng, ông Trump vẫn cáo buộc cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller "xung đột lợi ích". Ông nói Mueller từng đến Nhà Trắng xin tái bổ nhiệm làm giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhưng bị từ chối.
"Ngày hôm sau ông ấy trở thành công tố viên đặc biệt. Rõ ràng là xung đột lợi ích", ông khẳng định.
Sự thật dường như trái ngược với phát biểu của ông Trump. Cựu cố vấn chiến lược Steve Bannon từng nói Nhà Trắng là phía mời ông Mueller đến trao đổi với ông Trump về tình hình tại FBI, cân nhắc tái bổ nhiệm. Cựu giám đốc FBI dưới thời Tổng thống George W. Bush không chủ động "đến xin việc" như ông Trump mô tả.
Tổng thống Trump cho rằng ông Mueller đáng lẽ phải điều tra những quan chức chính phủ cố tình làm suy yếu nhiệm kỳ này. Ông nhắc đến trường hợp Peter Strzok, cựu đặc vụ FBI hỗ trợ ông Mueller điều tra, từng trao đổi các tin nhắn phản đối ông Trump trong giai đoạn bầu cử.
Cuộc họp báo đầu tiên của ông Robert Mueller diễn ra hôm 29/5 tại Bộ Tư pháp Mỹ sau khi công bố kết quả điều tra. Ảnh: AP. |
Strzok đã được loại khỏi đội điều tra của ông Mueller và sau đó nhận quyết định sa thải của FBI. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần tại hạ viện, cựu đặc vụ này nhấn mạnh nội bộ FBI "không có âm mưu nào" nhằm ngăn ông Trump đắc cử năm 2016.
Việc trả lời các phóng viên trên thảm cỏ Nhà Trắng trong gần 20 phút cho thấy cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và thông đồng với ông Trump vẫn đang ám ảnh vị tổng thống. Robert Mueller đã tuyên bố từ chức và giải tán văn phòng công tố viên đặc biệt, do đã hoàn thành cuộc điều tra. Tuy nhiên, phe Dân chủ vẫn dùng báo cáo điều tra để tăng sức ép cho ông Trump.
Trả lời phóng viên về ý tưởng "phế truất" mà một số nhà lập pháp đảng đối thủ đề cập thời gian qua, ông Trump tự tin rằng tòa án sẽ không để điều này xảy ra vì ông không phạm tội.
Trước đó, trong phát biểu công khai đầu tiên từ khi đảm nhận vai trò công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra Nga 2 năm trước, ông Robert Mueller hôm 29/5 dường như đã đáp trả việc Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông đã được giải tội và cuộc điều tra là "săn phù thủy".
"Nếu chúng tôi có đủ tự tin để khẳng định tổng thống không phạm tội, chúng tôi sẽ làm vậy. Thế nhưng chúng tôi không xác quyết liệu tổng thống có phạm tội hay không", ông Mueller nói trước báo giới.
Ngoài ra, ông cũng nói ông không có thẩm quyền truy tố tổng thống. Phát biểu này được hiểu là phe Dân chủ chỉ có thể sử dụng cơ chế luận tội tại quốc hội để hạ bệ ông Trump, phương án khó có thể thành công do phe Cộng hòa đang nắm đa số tại thượng viện.