“Nga báo với chúng tôi họ đã đưa phần lớn người của họ ra khỏi Venezuela” – đó là toàn bộ câu tweet của Tổng thống Trump chiều 3/6 khi ông đang thăm chính thức nước Anh.
Theo CBS News, Bộ Ngoại giao Mỹ không phản hồi các yêu cầu giải thích xem khi nào và bằng cách nào mà chính phủ Nga thông báo với Mỹ về việc đưa người ra khỏi Venezuela. Cũng không rõ “người của họ” chính xác là những ai.
Tuy vậy, nếu đúng sự thật, đây sẽ là diễn biến đáng kể trong khủng hoảng ở Venezuela. Chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro đã dựa vào sự ủng hộ của Nga, Cuba và Trung Quốc để đứng vững sau khi lãnh đạo phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó tự mình tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời vào tháng một, đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng chính trị.
Đỉnh điểm của hỗn loạn ở Venezuela là ngày 30/4 khi ông Guaidó kêu gọi quân đội lật đổ Tổng thống Maduro, nhưng không được quân đội hưởng ứng. Ảnh: AP. |
Trước đó, hôm 2/6, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tập đoàn quốc phòng Rostec của nước này, nơi chịu trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện và xúc tiến các hợp đồng vũ khí với quân đội Venezuela, đã cắt giảm số nhân viên ở quốc gia Nam Mỹ xuống còn vài chục người từ hơn 1.000 người trước đó.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Venezuela Vladimir Zaemsky bác bỏ thông tin trên. Trong khi đó, phía Rostec nói rằng Wall Street Journal đã "ước tính số nhân viên Rostec tại Venezuela cao gấp nhiều lần thực tế", đồng thời khẳng định con số này không thay đổi trong nhiều năm qua.
Cho đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Maduro. Khủng hoảng kinh tế đã khiến hơn 3 triệu người rời bỏ đất nước vốn đang chịu cảnh khan hiếm lương thực, thuốc men và siêu lạm phát.
Chính quyền ông Trump và Quốc hội Mỹ đã ủng hộ ông Guaidó, lên án sự ủng hộ của Nga dành cho chính phủ của ông Maduro.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, có biệt danh “diều hâu” vì chủ trương cứng rắn, đã cảnh báo Nga không can thiệp vào bán cầu Tây, thậm chí còn viện dẫn học thuyết Monroe từ thế kỷ 19, trong đó Mỹ phản đối chủ nghĩa thực dân châu Âu ở Nam Mỹ.
Hơn 50 chính phủ phương Tây đã ủng hộ phe đối lập ở Venezuela trong khi quân đội nước này vẫn trung thành với vị tổng thống cánh tả.