Ông Donald Trump khởi động cho chuyến đi nước ngoài mới nhất của mình tới Anh theo phong cách điển hình, với những nhận xét có nguy cơ xúc phạm chủ nhà hoàng gia và lao đầu vào các vấn đề chính trị rối rắm của đất nước sương mù.
Tổng thống Mỹ mô tả một trong những thành viên hoàng gia mới nhất, Meghan Markle, nữ công tước xứ Sussex, là "xấu tính" khi được biết công nương người Mỹ này từng nói ông "kỳ thị nữ giới".
"Tôi không biết rằng cô ta xấu tính", ông Trump trả lời trong cuộc phỏng vấn với báo The Sun. Sau đó, vào sáng 2/6, ông viết trên Twitter: "Tôi chưa bao giờ gọi Meghan Markle là 'xấu tính'".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhúng mũi vào cuộc đua tranh của đảng Bảo thủ để tìm thủ tướng mới và cuộc tranh luận không hồi kết của Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU), theo cách chắc chắn để làm phẫn nộ các nhà phê bình Anh.
Theo CNN, các tổng thống thường tránh những chủ đề nhạy cảm như vậy vào thời điểm căng thẳng chính trị cực độ. Trong trường hợp của ông Trump, chúng có thể làm sâu sắc thêm sự khó ưa vốn có của ông tại Anh trước chuyến thăm ba ngày từ 3/6 nhưng lại củng cố danh tiếng toàn cầu của ông như một nhân tố đột phá và khó lường.
Phong cách ngoại giao điển hình của ông Trump
Tôn trọng các quy tắc ngoại giao chưa bao giờ là phong cách của ông Trump. Những nhận xét của ông nhấn mạnh thách thức mạnh mẽ mà chuyến thăm đặt ra cho "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Anh.
Những phát biểu gây xôn xao của ông Trump được truyền tải trong hai bài phỏng vấn gây sốc trên báo lá cải Sun và Sunday Times thuộc sở hữu của Rupert Murdoch, chủ sở hữu của Fox News.
Chúng đến giữa lúc Anh đang chuẩn bị tiếp đón trọng thị cho ông Trump, người sẽ là khách mời danh dự trong bữa tiệc chiêu đãi do Nữ hoàng Elizabeth II tổ chức tại Cung điện Buckingham vào ngày 3/6. Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tháp tùng tổng thống tới phòng tiệc sang trọng.
Tổng thống Trump gặp Nữ hoàng Elizabeth II khi thăm Vương quốc Anh năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Những bình luận của Tổng thống Trump trước chuyến đi tới Anh cũng sẽ là cú đòn mới đối với bà Theresa May, người phải từ chức thủ tướng do không thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của việc Anh rời EU (Brexit).
Bà May sẽ khởi động cuộc bầu cử tìm lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 để tìm kiếm người kế vị bà và cũng là người có khả năng trở thành thủ tướng mới vào cuối mùa hè.
Ông Trump rõ ràng đang tìm kiếm một người kế nhiệm cởi mở hơn với tư tưởng hoài nghi về châu Âu so với bà May, người có thể mang chí hướng gần gũi hơn với Nhà Trắng hiện tại.
Trong cuộc phỏng vấn với Sunday Times, ông Trump cho rằng bà May nên áp dụng phong cách đàm phán mạnh mẽ của ông trong các cuộc đàm phán phức tạp với EU.
Ông nói bà May nên từ chối trả khoản thanh toán "ly hôn" 49 tỷ USD mà EU yêu cầu nếu Brussels không đáp ứng yêu cầu của Anh và nói rằng bà nên kiện khối châu Âu.
"Họ phải hoàn thành nó. Họ phải chốt thỏa thuận", ông nói với tờ báo.
Bình luận kiểu "phát xít"
Ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thường nêu những quan điểm gây tranh cãi về vấn đề Brexit, tỏ ra coi thường các thể chế quốc tế như EU và cố gắng khôi phục chủ quyền quốc gia thay vì hợp tác đa phương như một khối xây dựng quan hệ quốc tế.
Tổng thống hứa sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh nếu Anh cắt đứt quan hệ với EU.
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên lên tiếng về Brexit. Nhận xét của Tổng thống Barack Obama trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 rằng sau Brexit, Anh sẽ "xếp xuống cuối hàng" liên quan đến thỏa thuận thương mại với Mỹ đã bị các đối thủ ở Anh và Mỹ chỉ trích. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cố đơn lẻ so với sự can thiệp thường xuyên của ông Trump vào chính trường Anh.
Chuyến thăm tuần này của Tổng thống Trump dự kiến bao gồm cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP. |
Nhận xét của ông Trump sẽ thúc đẩy những gì được dự đoán là những cuộc biểu tình dữ dội ở London trong chuyến thăm ba ngày tới Vương quốc Anh, nơi đang siết chặt an ninh ở trung tâm London.
Thị trưởng London Sadiq Khan, một nhà phê bình thường xuyên của ông Trump, nói rằng luận điệu thường được tổng thống sử dụng có thể so sánh với "những kẻ phát xít của thế kỷ XX".
Trong bài viết trên Observer, ông Khan cho rằng việc trải thảm đỏ cho ông Trump trái với bản tính của người Anh vì hành vi của ông "trái với những lý tưởng của nước Mỹ khi lập quốc - bình đẳng, tự do và tự do tôn giáo".
Tuy nhiên, ông Trump, người không thích thú gì hơn là trở thành tâm điểm chú ý, không thể chiếm được các tiêu đề chính ở Anh vào sáng 2/6.
Cơn bốc đồng của ông chiếm vị trí thứ hai sau tin về chiến thắng của Liverpool trước Tottenham trong trận chung kết của giải bóng đá Champions League của châu Âu.