Ông Trump có thể cũng mất quyền tranh cử tổng thống trong tương lai. Không chỉ vậy, việc luận tội sẽ buộc nghị sĩ Cộng hòa phải bỏ phiếu, tỏ rõ lập trường về vụ bạo loạn ngày 6/1.
Chính vì vậy, đảng Dân chủ muốn theo đuổi việc luận tội ông Trump, dù gần như chắc chắn quá trình luận tội và xét xử sau đó không thể kết thúc trong 9 ngày còn lại của nhiệm kỳ.
Theo Nikkei Asia, Luật về Cựu Tổng thống năm 1958 quy định các cựu tổng thống Mỹ được nhận một số quyền lợi, bao gồm lương hưu trọn đời ở mức ngang với lãnh đạo một bộ, tức trên 200.000 USD mỗi năm, được hỗ trợ 96.000 USD mỗi năm để thuê các trợ lý, và được cấp văn phòng, thiết bị.
Quyền lợi của họ cũng bao gồm việc bảo vệ an ninh và các chi phí đi lại, trị giá tới 1 triệu USD mỗi năm. Khi một cựu tổng thống qua đời, người vợ hoặc chồng của cựu tổng thống được nhận 20.000 USD lương hưu hàng năm.
Tổng thống Trump vẫy tay trước khi bước vào xe limousine của mình. Ảnh: Reuters. |
Nhưng luật quy định các quyền lợi sẽ áp dụng với “cựu tổng thống”, trừ khi nhiệm kỳ của họ kết thúc bởi quá trình luận tội.
Josh Blackman, giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Luật Nam Texas - Houston, cho rằng nếu bị luận tội, xét xử, kết án trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Trump sẽ mất các quyền lợi như lương hưu, văn phòng, nhân viên trợ lý, nhưng có thể không bị tước đi mật vụ bảo vệ.
Nhưng nếu không bị xét xử và kết án trước ngày 20/1, ông Trump vẫn sẽ luôn là “cựu tổng thống” theo Luật về Cựu Tổng thống, theo ông Blackman. Nếu bị kết án sau ngày 20/1, ảnh hưởng duy nhất đối với quyền lợi của ông Trump có thể chỉ là không được tranh cử lần nữa.
Theo quy trình luận tội, sau khi Hạ viện quyết định luận tội, Thượng viện phải tiến hành phiên tòa xét xử, và cần có 2/3 số phiếu tại đây để kết án ông Trump. Đây là khả năng khó vì sẽ cần 17 phiếu của nghị sĩ Cộng hòa muốn kết án ông Trump.
Một khi ông Trump bị kết án, Thượng viện có thể tiếp tục bỏ phiếu để quyết định xem có cấm ông Trump tranh cử trong tương lai hay không. Quyết định này đơn giản hơn, vì chỉ cần đa số muốn cấm, và đảng Dân chủ vừa giành kiểm soát Thượng viện.
Trong khi đó, đang có những tranh luận về khung thời gian dự kiến của việc luận tội. Hạ viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, có thể sớm bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội vào ngày 13/1. Nhưng Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhiều khả năng sẽ không kịp tổ chức phiên xét xử trước ngày 20/1.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đang lo ngại một phiên xử ông Trump tại Thượng viện có thể lôi cuốn sự chú ý khỏi những ngày đầu của chính quyền mới - thường là thời gian mà tân tổng thống được chú ý nhất, có thể kêu gọi nhiều ủng hộ nhất.
Cũng có những lo ngại phiên xử có thể trì hoãn các phiên điều trần nhằm chấp thuận các vị trí nội các chủ chốt mà ông Biden đang đề cử. “Liệu có thể dành nửa ngày để luận tội và nửa ngày để chấp thuận những người mà tôi đề cử, và thúc đẩy gói cứu trợ... tôi hy vọng như vậy”, ông Biden phát biểu trước các phóng viên ở Delaware.
Quá trình luận tội sẽ buộc các nghị sĩ Cộng hòa phải thể hiện rõ qua lá phiếu liệu họ ủng hộ hay phản bác ông Trump tới đâu. Một thăm dò của PBS và Đại học Marist cho thấy 18% người Cộng hòa ủng hộ vụ hỗn loạn ở Điện Capitol, và 69% cho rằng ông Trump không phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, ông Trump đã bị lên án kịch liệt bởi nhiều nghị sĩ Mỹ, các cựu tổng thống, các quan chức chính quyền vì kích động đám đông ủng hộ mình ở Washington kéo đến trụ sở Quốc hội Mỹ, gây ra cảnh bạo loạn làm gián đoạn quy trình kiểm phiếu xác nhận ông Joe Biden đắc cử tổng thống.