Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống tháo chạy, Sri Lanka sẽ đi về đâu?

Giữa lúc Sri Lanka rơi vào hỗn loạn, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tháo chạy. Trong cảnh chính quyền rối ren, tương lai của quốc gia khánh kiệt này đang trở thành câu hỏi lớn. 

Tổng thống Rajapaksa có thể đã vạch sẵn đường đi cho mình.

Sau khi trốn khỏi Colombo, Tổng thống Rajapaksa lần lượt đáp máy bay xuống Maldives rồi tới Singapore. Ông được cho là sẽ ở lại đảo quốc sư tử một thời gian rồi nhiều khả năng sẽ bay tới Arab Saudi, AFP dẫn nguồn tin an ninh từ Sri Lanka.

Hiện chưa rõ liệu Saudi Arabia có phải đích đến cuối của ông Rajapaksa hay không. Nhưng dù sao đi nữa, việc ông tháo chạy đã để lại câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng: Tương lai Sri Lanka - đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 70 năm - sẽ đi về đâu?

tong thong Sri Lanka anh 1

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tới nay vẫn chưa gửi đi thư từ chức. Ảnh: Reuters.

Tình hình vẫn vô định

Ông Rajapaksa nộp đơn từ chức qua email chỉ ít lâu sau khi tới Singapore và lá đơn tới nay đã được chấp nhận. Điều này sẽ mở đường cho Quốc hội Sri Lanka bầu ra vị tổng thống mới, dự kiến vào ngày 20/7.

Nhưng lá thư từ chức không đem lại chiến thắng tuyệt đối cho người biểu tình khi khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka dự kiến còn kéo dài. Việc ông Rajapaksa từ nước ngoài chỉ định vị thủ tướng rất không được lòng dân lên điều hành đất nước cũng làm phát sinh nhiều sự bất định.

Theo New York Times, vì thành phần tham gia biểu tình rất đa dạng, trong phong trào sẽ có nhiều bên có lợi ích liên quan với mục tiêu khác nhau. Một số người sẵn sàng chấp nhận giải pháp thỏa hiệp được trung gian hòa giải tại Quốc hội, nhưng có người muốn thay đổi hiến pháp trước tiên.

Một số người thừa nhận phong trào biểu tình về tổng thể không có người lãnh đạo. Do đó, việc kiểm soát người biểu tình rất khó khăn trong những thời khắc căng thẳng, thể hiện rõ nhất là sau khi ông Rajapaksa không từ chức đúng hạn chót ngày 13/7.

Ông Rajapaksa sẽ dừng chân ở đâu?

Nhiều người ban đầu tin rằng ông Rajapaksa sẽ làm đúng lời hứa và từ chức vào ngày 13/7, mở đường cho bộ máy lãnh đạo mới. Nhưng sớm hôm đó, vị tổng thống cùng vợ đã lên máy bay quân sự để rời khỏi Sri Lanka tới Maldives.

Theo một quan chức an ninh cấp cao, phía Maldives ban đầu không cho phép máy bay chở ông Rajapaksa hạ cánh cho tới khi có sự can thiệp của ông Mohamed Nasheed - Chủ tịch Nghị viện đương nhiệm của Maldives và cũng là cựu Tổng thống.

Một người phát ngôn cho ông Nasheed không xác nhận hoặc bác bỏ thông tin về vụ can thiệp.

Maldives và Sri Lanka là láng giềng thân thiết. Thủ đô Male của Maldives chỉ cách thủ đô Colombo của Sri Lanka 90 phút ngồi máy bay. Hơn nữa, ông Nasheed và ông Rajapaksa cũng từng hợp tác trong quá khứ. Năm 2012, giữa các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Maldives, ông Nasheed và vợ cũng tìm nơi ẩn náu tại Sri Lanka.

Hôm 14/7, ông Rajapaksa rời Maldives và tới Singapore. Phía Singapore tuyên bố vị tổng thống được phép nhập cảnh với lý do đây là chuyến thăm cá nhân, không phải vì đảo quốc sư tử cho ông tị nạn.

“Ông ấy chưa xin tị nạn và cũng chưa được cho phép tị nạn. Singapore nói chung không chấp nhận yêu cầu xin tị nạn”, Bộ Ngoại giao Singapore nói.

Điểm đến tiếp theo của ông Rajapaksa được cho là Saudi Arabia. Nhưng người dùng mạng xã hội nhanh chóng chỉ ra rằng Saudi Arabia không phải là địa điểm ổn thỏa với ông Rajapaksa vì ông từng bị cáo buộc có chính sách bài Hồi giáo trong thời gian tại vị, theo New York Times.

Tình hình biểu tình hiện ra sao?

Colombo dường như đã yên ắng trở lại sau vài ngày biểu tình. Điều này trái ngược với cảnh biểu tình lớn trước đó, khi người biểu tình thậm chí phóng hỏa tư dinh Thủ tướng Wickremesinghe và nô đùa trong bể bơi riêng của ông Rajapaksa.

Ngày 13/7, hàng trăm người biểu tình xông vào văn phòng thủ tướng ở Colombo sau cuộc đụng độ với cảnh sát vũ trang. Người biểu tình cũng tiến vào trụ sở đài truyền hình nhà nước Rupavahini.

Ít nhất 75 người đã bị thương trong cuộc đụng độ ngày 13/7, theo Bệnh viện Quốc gia tại Colombo. Nhiều người trong số phải nhập viện vì hít phải hơi cay, một số khác bị trầy da và bầm tím, nhiều khả năng là do cố gắng trèo hàng rào, theo một y tá tại bệnh viện.

Nguyên nhân khủng hoảng là gì?

Trong nhiều tháng, Sri Lanka đã rung chuyển vì các cuộc biểu tình xuất phát từ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 70 năm.

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, khiến chính phủ chật vật thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.

Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng này có nguyên nhân từ nhiều năm trước, do một loạt quyết định của chính phủ đã làm trầm trọng thêm cú sốc từ bên ngoài.

Trong 10 năm qua, chính phủ Sri Lanka đã vay mượn lượng lớn tiền từ nước ngoài để rót vào các dịch vụ công, theo Murtaza Jafferjee, Chủ tịch viện chính sách Advocata tại Colombo.

Chuỗi vay mượn này xảy ra cùng lúc nền kinh tế Sri Lank phải hứng chịu nhiều cú sốc tới từ thiên tai và thảm họa nhân tạo, như việc chính phủ cấm phân bón hóa học khiến mùa màng bị tàn phá.

Đối diện thâm hụt lớn, ông Rajapaksa giảm thuế để kích cầu kinh tế nhưng động thái này phản tác dụng và làm giảm thu của nhà nước, khiến cơ quan xếp hạng hạ cấp tín dụng Sri Lanka xuống mức gần vỡ nợ. Nước này từ đó mất khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.

Sri Lanka sau đó phải dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ chính phủ, từ đó càng làm suy giảm lượng ngoại tệ dự trữ. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới nhập khẩu nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, khiến giá cả leo thang.

Theo một số người, hy vọng khả quan nhất cho Sri Lanka lúc này lại là một khoản vay nước ngoài khác. Ngày 14/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vẫn giữ liên lạc ở cấp kỹ thuật với chính quyền Sri Lanka và hy vọng có thể nối lại trao đổi cấp cao về chương trình cứu trợ.

Clifford Lau, quản lý tiền tệ tại hãng William Blair, một trong những bên nắm giữ trái phiếu chính phủ Sri Lanka, cho biết hiện rất khó nói khi nào hai bên có thể đạt thỏa thuận về chương trình cho vay.

"Tôi vẫn tin rằng thỏa thuận với IMF rồi sẽ đạt được vì giới tinh hoa chính trị Sri Lanka nhất trí đây là cách đáng tin cậy nhất để khôi phục niềm tin cả trong và ngoài nước", Lau nói. "Điều cần dừng lại là việc đấu tranh nội bộ và mọi đảng cần cùng tham gia bầu lãnh đạo để nối lại đàm phán gói cứu trợ sớm nhất có thể".

Người biểu tình tràn vào văn phòng quyền tổng thống Sri Lanka Đám đông biểu tình ở Sri Lanka đã đến chiếm văn phòng quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe, bất chấp sự ngăn cản bằng vòi rồng và hơi cay của cảnh sát.

Chuyến bay đang được theo dõi nhiều nhất thế giới

Chuyến bay được cho là chở tổng thống Sri Lanka của Saudi Arabian Airlines từ Maldives đến Singapore trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên thế giới trong ngày 14/7.

Gia tộc Rajapaksa khiến Sri Lanka sa lầy

Nhà Rajapaksa gần như nắm mọi quyền hành tại Sri Lanka, cho đến khi đất nước chìm vào bất ổn và khủng hoảng kinh tế tồi tệ, dẫn đến những rạn nứt trong chính nội bộ gia tộc này.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm