Lực lượng nổi dậy Syria tuyên bố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sau khi giành quyền kiểm soát Damascus vào hôm 8/12, đánh dấu thời khắc chấn động với Trung Đông.
Phe nổi dậy cho biết họ đã tiến vào thủ đô Syria mà không gặp phải sự hiện diện của quân đội, theo Reuters.
Cùng ngày, Bộ trưởng ngoại giao Nga cho biết ông Assad đã rời Syria. Theo tuyên bố, ông Assad “quyết định rời khỏi vị trí tổng thống và rời khỏi đất nước, đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”.
Đồng thời, tuyên bố nhấn mạnh thêm: “Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán này”.
Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali thông báo chính phủ đã sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực và ông sẽ hợp tác với lãnh đạo tiếp theo của Syria do nhân dân lựa chọn.
Chưa rõ tung tích Tổng thống Assad
Trước đó, theo hai sĩ quan quân đội cấp cao Syria, Tổng thống Assad đã lên máy bay rời khỏi Damascus đến địa điểm không xác định vào sáng 8/12.
Một máy bay của Syrian Air đã cất cánh từ sân bay Damascus vào thời điểm thủ đô Syria được cho bị phiến quân chiếm giữ, theo dữ liệu từ trang web Flightradar. Trong bối cảnh đó, một số người đặt ra nghi vấn về khả năng Tổng thống Assad có mặt trên chuyến bay này.
Ban đầu, máy bay bay về phía vùng ven biển Syria, một thành trì của cộng đồng Alawite ủng hộ ông Assad. Tuy nhiên, sau đó nó đột ngột quay đầu và bay theo hướng ngược lại trong vài phút trước khi biến mất khỏi màn hình radar.
Hiện chưa thể xác định đây có phải là máy bay chở Tổng thống Assad hay không.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Assad đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi nổ ra cuộc tiến công bất ngờ của lực lượng nổi dậy một tuần trước.
Khi quân nổi dậy tiến công mạnh mẽ trong tuần qua, xuất hiện thông tin đồn đoán cho rằng ông có thể tìm nơi ẩn náu ở Moscow hoặc với đồng minh khác là Iran. Nga và Iran chưa lên tiếng về thông tin này.
Tại cuộc họp báo ở Doha, Qatar, khi được hỏi rằng liệu Tổng thống Assad có thể đang ở đâu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trả lời: "Tôi không thể bình luận về điều đó, có lẽ là bên ngoài Syria".
“Chúng tôi đã thắng cược”
Quân nổi dậy và người dân Syria được nhìn thấy đang đi lại và lục soát trong dinh thự của Tổng thống Assad ở Damascus. Trẻ em được nhìn thấy chạy giữa lối vào dinh thự Al Rawda, trong khi những người đàn ông đi ra với đồ đạc, nội thất lấy từ bên trong, theo video do Reuters công bố.
Một người đàn ông có vũ trang được nhìn thấy đang mang khẩu súng trường trong dinh thự. Video khác được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy hành lang tại nơi dường như là một dinh thự khác ở thủ đô với âm thanh ăn mừng.
Lực lượng nổi dậy cho biết tù nhân tại một nhà tù lớn ở ngoại ô Damascus đã được trả tự do.
"Chúng tôi ăn mừng cùng nhân dân Syria trước tin tức giải phóng các tù nhân và phá bỏ xiềng xích của họ", theo tuyên bố.
Các lực lượng đối lập ở Syria đã chiếm các kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát thủ đô Damascus. Một người dẫn chương trình truyền hình đã đọc bản tin đầu tiên trên đài truyền hình nhà nước Syria vào hôm 8/12 sau khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ.
"Đối với người đã đặt cược vào chúng tôi và cả người không đặt cược, đối với người từng nghĩ rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ tan vỡ, chúng tôi xin thông báo với các bạn từ kênh tin tức Syria về chiến thắng của cuộc cách mạng Syria vĩ đại sau 13 năm kiên nhẫn và hy sinh", người dẫn chương trình Youssef Al-Youssef phát biểu.
“Chúng tôi đã thắng cược”, ông nói.
Nhiều người ủng hộ phiến quân đã trèo lên khí tài quân chính phủ bỏ lại, ăn mừng ở quảng trường Ummayad, trung tâm Damascus.
Những người đàn ông giơ lá cờ phe đối lập Syria trên nóc chiếc xe. Ảnh: Reuters. |
Liên minh nổi dậy Syria tuyên bố đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực cho cơ quan quản lý chuyển tiếp với đầy đủ quyền hành pháp.
"Cuộc cách mạng vĩ đại của người Syria đã chuyển từ giai đoạn đấu tranh lật đổ chế độ Assad sang giai đoạn xây dựng một Syria xứng đáng với những hy sinh của nhân dân", theo tuyên bố.
Thủ tướng Mohammad al-Jalali đã kêu gọi tổ chức bầu cử tự do. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi quá trình chuyển tiếp suôn sẻ ở một quốc gia với các lợi ích phức tạp và cạnh tranh, từ các nhóm Hồi giáo đến tổ chức có liên hệ với Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Jalali cũng tiết lộ đã liên lạc với chỉ huy phe nổi dậy Abu Mohammed al-Golani để thảo luận về việc quản lý giai đoạn chuyển tiếp, đánh dấu bước tiến đáng chú ý trong nỗ lực định hình tương lai chính trị của Syria.
Ahmed Hussein al-Shara, thủ lĩnh Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm mạnh nhất trong liên minh phiến quân Syria - cho biết tất cả lực lượng của họ tại Damascus "đều bị cấm tiếp quản cơ quan công quyền".
“Các cơ quan này tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mohammed al-Jalali tới khi chính thức được bàn giao", al-Shara cho biết.
Thủ lĩnh HTS cũng yêu cầu các tay súng dưới quyền "khiêm nhường và ứng xử nhẹ nhàng với người dân".
Reuters đưa tin quân đội Syria ngày 8/12 cho biết chế độ của Tổng thống Assad đã kết thúc. Tuy nhiên sau đó, quân đội tuyên bố đang tiếp tục các hoạt động “chống khủng bố” ở các thành phố trọng yếu như Hama, Homs và vùng nông thôn Deraa.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad diễn ra sau khi cán cân quyền lực ở Trung Đông thay đổi, với nhiều lãnh đạo của nhóm Hezbollah - lực lượng ủng hộ ông Assad - đã bị Israel tiêu diệt trong vài tháng qua.
Reuter đánh giá con đường phía trước vẫn đầy thách thức, với sự tham dự của một loạt nhóm có mục tiêu xung đột lẫn nhau.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện diễn ra ở Syria.
"Tổng thống Biden và nhóm của ông đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện bất thường ở Syria và liên tục giữ liên lạc với đối tác trong khu vực", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett chia sẻ trên mạng xã hội.
Trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông Daniel Shapiro cho biết nước này sẽ duy trì sự hiện diện tại miền Đông Syria và thực hiện biện pháp cần thiết để ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...