Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik |
"Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Nga nhìn chung đã hoàn thành các mục tiêu được đặt ra. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh bắt đầu rút lực lượng chủ chốt của chúng tôi khỏi lãnh thổ Cộng hòa Arab Syria từ ngày mai", Sputnik dẫn lời ông Putin nói trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 14/3.
Theo ông Putin, với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria và lực lượng yêu nước Syria đã có thể đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trong hầu hết các mặt. Ông chủ Điện Kremlin hy vọng quyết định của Nga sẽ khuyến khích tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình.
"Hiện đã có một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết.
Tuy nhiên, Moscow sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria và thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố. Tổng thống Putin cũng chỉ ra rằng lực lượng Nga sẽ tiếp tục đồn trú tại cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia. "Căn cứ hải quân ở Tartus và không quân tại Hmeymim sẽ hoạt động bình thường. Chúng cần được bảo vệ từ trên bộ, trên biển và trên không", ông Putin nói.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga đã thông báo với Tổng thống Syria Bashar al-Assad quyết định rút quân một phần. Một tuyên bố từ văn phòng của ông Assad nhấn mạnh, Nga vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ Syria trong "cuộc đối đầu với chủ nghĩa khủng bố".
Thông báo về việc Nga rút quân khỏi Syria được đưa ra cùng ngày với các cuộc đàm phán hòa bình Syria tại Geneva (Thụy Sĩ). Các nhà quan sát nhận định, quyết định của Moscow là bằng chứng cho thấy ông Putin đang gửi một thông điệp tới Syria và các lực lượng trong khu vực nhằm đạt được một giải pháp chính trị.
Tháng 9/2015, Nga bất ngờ phát động chiến dịch không kích các mục tiêu khủng bố trên lãnh thổ Syria trước sự bất ngờ của Mỹ và phương Tây. Moscow sử dụng căn cứ không quân nằm trong lãnh thổ Syria để triển khai các hoạt động tấn công. Một lượng lớn binh sĩ, chuyên gia được cử tới Syria để hỗ trợ sứ mệnh này.
Đầu tháng 10 năm ngoái, truyền thông phương Tây cũng đưa tin về việc Nga cử lực lượng đặc nhiệm tối tân Spetsnaz tới Syria để thực hiện các nhiệm vụ đột kích phiến quân. Khả năng chiến đấu của lực lượng này đã được chứng minh qua các chiến dịch truy lùng và tiêu diệt các phần tử thánh chiến ở Cộng hòa Chechnya. Tuy nhiên, giới chức Nga chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về sự hiện diện của lực lượng này.
Ngoài căn cứ không quân ở Latakia, Nga còn duy trì một căn cứ hải quân ở Tartus. Trong nhiều năm, Tartus là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở quốc gia ngoài Liên Xô cũ. Tháng 12/2015, phương Tây liên tục cáo buộc Nga đưa bộ binh vào Syria. Sự việc được đưa ra không lâu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc Su-24 của Nga vì cáo buộc xâm phạm không phận, tuy nhiên, phía Nga bác bỏ cáo buộc. Sự việc sau đó làm tăng rạn nứt trong mối quan hệ Nga - phương Tây.