Buổi lễ khánh thành cầu Crimea có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo trang AFP, nhà lãnh đạo 65 tuổi đã lái xe tải qua cầu.
Điện Kremlin giữ kín chi tiết kế hoạch sự kiện và chỉ cho biết những công nhân đã hoàn thành công trình với thời gian kỷ lục sẽ là điểm nhấn chính trong chương trình.
Tổng chi phí xây dựng cây cầu là 228 tỷ ruble (gần 3,69 tỷ USD). Cây cầu được hoàn thành 6 tháng sớm hơn kế hoạch, điện Kremline cho hay. Với chiều dài 19 km, cầu Crimea đã trở thành cây cầu dài nhất tại châu Âu, vượt mặt cầu Vasco da Gama ở Lisbon, Bồ Đào Nha.
Các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông trên đường bộ kể từ ngày 16/5, theo hãng tin RT.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân lái xe tải dẫn đầu đoàn di chuyển qua cầu Crimea vào ngày 15/5. Ảnh: Twitter. |
Ngoài tuyến đường bộ gồm 4 làn đường, cầu còn có một tuyến dành cho đường sắt. Phần này dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2019. Phải sau vài tháng nữa xe tải trọng lớn mới được lưu thông trên cầu do vẫn cần thời gian để kiểm tra chất lượng công trình và các giải pháp an toàn.
Công trình này là một phần nỗ lực của Nga nhằm giúp Crimea sớm hội nhập với Nga. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng để kết nối giao thông, đây là một biểu tượng mang tính chính trị sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga vào năm 2014.
Tổng thống Nga đến dự lễ khánh thành trong trang phục quần jean, áo sơ mi trắng và áo khoác da màu đen đầy trẻ trung. |
Bán đảo Crimea được nối với Ukraine bằng một dải đất hẹp nhưng lại ngăn cách với lục địa Nga bởi eo biển Kerch rộng lớn. Trước khi cây cầu được hoàn thành, người ta chỉ có thể đi lại giữa Crimea và lục địa Nga bằng phà hoặc máy bay, các tuyến đường này lại thường xuyên bị gián đoạn khi thời tiết xấu.
Kế hoạch xây dựng cây cầu được bắt đầu không lâu sau vụ sáp nhập của Crimea vào Nga hồi đầu năm 2014. Vai trò của nó càng rõ ràng hơn sau khi Crimea hứng chịu hàng loạt biện pháp cô lập từ phía Ukraine.
Bán đảo Crimea bị ngăn cách với lục địa Nga bởi eo biển Kerch. Ảnh: Google Maps. |
Khu vực biên giới giữa Crimea và Ukraine hiện nay bị quân sự hóa cao độ, bán đảo này cũng bị cắt điện trong nhiều tuần vào cuối năm 2015 sau khi những người Ukraine quá khích cho nổ tung đường dây dẫn điện đến đây.
Crimea được sáp nhập vào Nga sau chiến dịch quân sự thần tốc của Moscow và một cuộc trưng cầu dân ý tại đây hồi đầu năm 2014. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn xem Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, đồng thời kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành cho Moscow.