Ông Surangel Whipps, 52 tuổi, là nhà lãnh đạo của một trong những quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Dù vậy, ông từng tuyên bố Cộng hòa Palau sẽ không để ai bắt nạt, AFP đưa tin.
Năm ngoái, ông Surangel Whipps chiến thắng một đối thủ có quan điểm thân thiện với Bắc Kinh trong bầu cử để trở thành tân tổng thống của Palau. Đảo quốc Thái Bình Dương này có khoảng 21.000 dân, và là một trong 15 quốc gia công nhận Đài Loan.
Vợ chồng Tổng thống Surangel Whipps của Cộng hòa Palau và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: AFP. |
Ông Whipps, một người Mỹ nhập tịch Palau, kiên quyết chính quyền của mình sẽ không thay đổi lập trường về Đài Loan, bất chấp áp lực từ phía Trung Quốc đại lục.
Palau với Đài Loan và Trung Quốc đại lục
Trung Quốc đại lục từ lâu đã tuyên bố Đài Loan là vùng lãnh thổ tự trị của nước này. Để lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, Trung Quốc đại lục đã sử dụng nhiều chiến thuật.
Trong năm 2019, Bắc Kinh đã giành được sự ủng hộ của Solomons và Kiribati, hai quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Giờ đây, khu vực này chỉ còn Palau, quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu công nhận Đài Loan.
Nước Cộng hòa Palau bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan từ năm 1999. Tổng thống Palau Surangel Whipps miêu tả hòn đảo này không chỉ là một đồng minh.
Theo ông Whipps, tộc người Austronesia, dân bản địa ở Palau, đã di tản khắp vùng Thái Bình Dương từ hàng chục nghìn năm trước. “Chúng tôi chia sẻ lịch sử và văn hóa với nhau”, nhà lãnh đạo phân tích.
Ông Whipps không giấu giếm sự nghi ngại trước sự hiện diện của Trung Quốc đại lục tại Thái Bình Dương. Thái độ này bắt nguồn từ sự khiêu khích của Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Tổng thống Surangel Whipps của Cộng hòa Palau. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Palau kể rằng trước một cuộc họp, điều đầu tiên giới chức Trung Quốc nói qua điện thoại là: “Những gì ông đang làm là bất hợp pháp, việc công nhận Đài Loan là bất hợp pháp. Ông phải dừng lại ngay”.
Ông Whipps cũng nhận được nhiều cuộc gọi cá nhân từ giới chức Trung Quốc đại lục trong thời gian tranh cử vào năm ngoái. “Điện thoại sẽ đổ chuông khoảng 16 lần”, ông nhớ lại. “Sau cuộc bầu cử, tôi không nhận cuộc gọi của họ nữa".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đại lục thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Cộng hòa Palau. Năm 2017, Bắc Kinh bất ngờ cấm các tour du lịch trọn gói đến Palau, động thái phổ biến nhằm gây áp lực kinh tế.
Palau chào đón Mỹ
Lập trường vững chắc của Tổng thống Palau là dấu hiệu tích cực với Mỹ, trong bối cảnh Washington lo ngại Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Sau Thế chiến II, Palau nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ, rồi giành độc lập vào năm 1994. Dù vậy, quốc đảo này vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington.
Giống như nhiều quốc đảo lân cận thuộc vùng Thái Bình Dương, Palau có thỏa thuận quốc phòng kéo dài 50 năm với Mỹ, được gọi là Hiệp hội Tự do (COFA). Thỏa thuận này cho phép Mỹ đa dạng hóa mạng lưới căn cứ quân sự trong khu vực.
Là chiến trường quan trọng trong Thế chiến II, Palau giờ là một phần của "chuỗi đảo thứ hai". Theo các chiến lược gia quân sự Mỹ, chuỗi đảo này là trở ngại lớn, ngăn cản Trung Quốc đại lục gia tăng sức mạnh ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Surangel Whipps từng tuyên bố Cộng hòa Palau sẽ không để ai bắt nạt. Ảnh: AFP. |
Về phần mình, Tổng thống Whipps cho biết ông hoan nghênh việc Mỹ mở thêm căn cứ quân sự, đồng thời hy vọng hoạt động này sẽ làm giảm gánh nặng kinh tế cho ngành du lịch. “Tôi nghĩ điều này có lợi cho mọi bên”, ông nói.
Ông Surangel Whipps sinh ra và lớn lên tại thành phố Baltimore, Mỹ. Ông đã từ bỏ quốc tịch để trở thành một nghị sĩ tại Palau.
Dù vậy, ông vẫn là một người ủng hộ nhiệt thành của Mỹ. Ông cho biết Palau đặt mục tiêu tiêm chủng toàn dân vào tháng 5, nhờ nguồn cung vaccine Covid-19 từ Washington, trong khuôn khổ thỏa thuận COFA.