Chủ tịch hạ viện John Boehner (phải) được bình phẩm là không vui khi nghe Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang tối 20/1. Ảnh: Reuters |
Tầm nhìn của Tổng thống Obama là một nhà nước phúc lợi tức để nước Mỹ giống như các chính phủ dân chủ xã hội của châu Âu.
Ông muốn đưa nước Mỹ ra khỏi mô hình trung dung để chuyển sang một mô hình với bộ máy cồng kềnh, thuế suất cao, tái phân phối thu nhập, quy định chặt chẽ, công bằng xã hội và các chính sách ủng hộ môi trường, trong khi đó vẫn duy trì mô hình lãnh đạo từ phía sau đối với các vấn đề đối ngoại.
Quyền phủ quyết đầy sức mạnh
Tổng thống Obama, đặc biệt trong những tháng vừa qua, đã có những hành động không thường thấy khi đe dọa phủ quyết các đề xuất luật của phe Cộng hòa nếu thấy không phù hợp với tầm nhìn ông đặt ra.
Những đề xuất gây khó cho phe Cộng hòa
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã khiến quốc hội "ngập lụt" trong hàng loạt đề xuất luật mới: miễn phí hai năm học phí ở các trường cao đẳng cộng đồng (80 tỷ USD), áp đặt các mức thuế mới lên người có thu nhập cao và các ngân hàng (362 tỷ USD), tăng lương cơ bản, thực hiện chế độ nghỉ ốm và nghỉ thai sản cho cả bố và mẹ được hưởng lương, các chính sách với Cuba...
Những đề xuất này sẽ khiến đảng Cộng hòa bận tối mắt tối mũi để tìm cách đưa ra các đề xuất thay thế và lý giải vì sao những ý tưởng này không nên được thực hiện.
Tổng thống Obama vẫn thường nhắc đến đảng Cộng hòa là đảng "Không". Và ông cũng đã làm được một việc nữa là đổ lỗi cho phe Cộng hòa và cựu tổng thống George Bush về những thất bại của chính sách đối nội và đối ngoại trước đây.
Ông thậm chí phủ quyết từ trước khi Quốc hội soạn thảo và trình dự luật lên tổng thống phê chuẩn.
Điều đó có nghĩa là sẽ không có một sự thỏa hiệp nào đối với các chính sách ông đã ban hành, hoặc với các chính sách ông sẽ đưa ra.
Mặc dù đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả lưỡng viện nhưng cũng khó mà bác bỏ sự phủ quyết của Tổng thống Obama.
Phe Cộng hòa sẽ phải giành được hai phần ba số phiếu thuận tại Hạ viện và Thượng viện mới có thể thông qua được dự luật đã bị tổng thống phủ quyết.
Hiện tại, đảng Cộng hòa chiếm giữ 54 ghế tại thượng viện, đảng Dân chủ chiếm 46 ghế. Để bác bỏ sự phủ quyết của tổng thống, phe Cộng hòa cần 67 phiếu thuận, có nghĩa sẽ phải có những nghị sĩ đảng Dân chủ liên minh với phe Cộng hòa chống lại chính đảng của mình.
Chuyện đó sẽ không xảy ra: trong lịch sử, con số thành công của các vụ bác phủ quyết của tổng thống chỉ là 10%!
Thêm vào đó, cần phải có đủ 60 phiếu thuận để tiến hành một số thủ tục nhằm xử lý dự luật. Trong nhiều trường hợp, đảng Dân chủ hoàn toàn có thể ngăn chặn việc thông qua dự luật.
Khi không thể dùng luật để lật đổ các chính sách của ông Obama, phe Cộng hòa thường quay sang tìm hỗ trợ từ Tòa án tối cao, yêu cầu tòa bác bỏ các chính sách của ông Obama mà đảng này cho là vi hiến.
Đảng này đã làm như vậy với một số chính sách của tổng thống liên quan đến Obamacare - chế độ bảo hiểm y tế phổ cập. Mặc dù cách thức này có thể đã thành công (Tòa án tối cao đến nay đã tuyên bố bác bỏ 12 hoạt động của chính quyền Tổng thống Obama), nhưng không phải dự luật nào cũng có thể bị lật ngược theo cách đó.
Và với những dự luật hợp hiến thì hoàn toàn không thể làm như vậy. Ông Obama chỉ còn hai năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ, nên việc đưa nhau ra tòa sẽ chẳng phải là biện pháp hữu hiệu nữa. Cũng có nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn kiên trì quan điểm không ủng hộ cách làm này trong mọi trường hợp.
Các đảng chia rẽ vì tranh cử
Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát lưỡng viện nhưng các thành viên lại thiếu đoàn kết. Thực tế là các thành viên quyền lực của đảng Cộng hòa có xu hướng ôn hòa, chống đối các chính sách của tổng thống nhưng lại không đưa ra được các chương trình chính sách bền vững, và cuối cùng thường chọn giải pháp thỏa hiệp.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng đã thề không bao giờ lặp lại sai lầm đóng cửa chính phủ để buộc ông Obama phải nhượng bộ trong các chính sách của mình. Và phe Cộng hòa sẽ không cố gắng để buộc tội hay nói cách khác là không cố lật đổ chiếc ghế tổng thống của ông Obama như đã làm với tổng thống Bill Clinton. Làm như vậy sẽ khiến cả quốc gia bị hủy diệt, hơn nữa thời gian còn lại của nhiệm kỳ ông Obama quá ngắn ngủi để phải làm như thế.
Thêm vào đó, từ nhiều tháng trước, các nghị sĩ Cộng hòa đã bắt đầu chiến dịch bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2016 trong bối cảnh ông Obama không còn tranh cử được nữa. Điều này có nghĩa là bộ máy của đảng Cộng hòa sẽ còn bị chia rẽ hơn nữa vì sẽ khó mà đạt được sự thống nhất về những vấn đề như chính sách nhập cư đang gây tranh cãi.
Các nghị sĩ Dân chủ cũng sẽ bị chia rẽ bởi sẽ có một số ủng hộ cựu ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử tổng thống, trong khi một số khác lại muốn tiến cử ứng viên được phe cánh tả yêu mến là thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Mặc dù vậy, với các chiến dịch tranh cử tổng thống của cả hai phe đang được rục rịch tiến hành từ ít nhất là một năm trở lại đây, các hoạt động quản lý sẽ trở nên rối ren.
Điều đáng chú ý là nước Mỹ đang được đặt ở chế độ với các chiến dịch tranh cử không ngừng thì việc quản lý sẽ ngày càng bị lơ là hơn. Tất cả những thực tế này đều có lợi cho Tổng thống Obama. Ông có thể tìm cách hành động không cần đến sự phê chuẩn của quốc hội bất cứ khi nào có thể.
Theo quy định của hệ thống hiến pháp Mỹ, sẽ rất khó để xoay ngược lại những gì các tổng thống trước đây đã ban hành bất kể chính quyền mới có quan điểm trái ngược thế nào đi chăng nữa. Như vậy có nghĩa là Tổng thống Obama chỉ cần ấn nút thực hiện và đưa các chương trình của mình vào luật, quy định và mệnh lệnh hành pháp thì tổng thống của nhiệm kỳ tới sẽ không thể đảo ngược lại những gì ông đã thực hiện.
Tiến sĩ TERRY F. BUSS
(Viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Mỹ)