Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, và sau đó là cả một dòng thác tin bài từ đêm 22/4 đến tối 23/4 tràn ngập những tuyên bố quan trọng, dự án, hợp đồng... nhiều tỷ USD. Nhưng cũng từ trong dòng tin bài như thác đó, tin Tổng thống Mỹ Obama đi ăn bún chả Lê Văn Hưu, Hà Nội đã khiến hầu hết người đọc đang trong trạng thái chờ đợi bỗng tỉnh cả người và không khỏi bật cười khoái trá.
Đa số người nước ngoài khi đến Việt Nam đều ấn tượng mạnh và dành nhiều cảm tình cho ẩm thực Việt Nam. Họ đã không tiếc lời khen các món ngon như phở, chả giò, bún chả... và dành những lời có cánh như: “Món ăn Việt Nam cực kỳ phong phú, mà rất khác nhau khi trải qua mỗi miền. Hơn thế nữa, nguyên liệu nấu không quá khó kiếm, không quá đắt, món ăn ngon, dễ ăn và không quá béo, quá ngán như món ăn một số nước châu Á khác”.
Ông Obama dùng món bún chả cùng với đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Ảnh: Instagram của Anthony Bourdain. |
Tuy nhiên, việc nguyên thủ cường quốc số một thế giới ghé vào quán bình dân trên đường phố Hà Nội để thưởng thức bún chả lại mở ra nhiều điều thú vị cho mọi người. Điều thú vị dễ thương này vô tình hay hữu ý có thể là một chiêu PR; đốn gục hầu hết các trái tim Việt đang mang đủ các màu, các sắc thái.
Và đi ăn bún chả cũng là một cái cớ thật thân thiện, dễ thương để Obama tiếp xúc với dân chúng Việt Nam, gặp tận mặt, cười tươi, bắt tay mỗi người dân Việt – những người thường mới chỉ thấy ông trên tivi, trên báo chí hoặc qua tầng tầng lớp lớp cận vệ và những lớp kính chống đạn của chiếc The Beast.
Sau Hà Nội, TP HCM có thể đón chào Obama với vô số món ăn đường phố hấp dẫn từ hủ tiếu, bánh canh, bánh xèo... đến bánh mì kẹp thịt.
Sự kiện ông Obama đi ăn bún chả này cũng làm người ta nhớ đến CEO Google Sundar Pichai khi đến Việt Nam đã đi uống trà chanh vỉa hè, "chém gió" cùng cha đẻ Flappy Bird Nguyễn Hà Đông vừa rồi.
Đến đây, câu chuyện Tổng thống Mỹ đi ăn bún chả Hà Nội lại là một gợi ý cực kỳ thú vị nữa cho khởi nghiệp Việt Nam: khởi nghiệp ẩm thực Việt.
Sau sự kiện này, quán bún chả nếu có chút đầu tư quản lý hệ thống, có chút máu kinh doanh, có chút xây dựng thương hiệu, có chút marketing... hoàn toàn có thể xây dựng được cả hệ thống bún chả dạng fastfood Made in Vietnam. Một số năm sau, nếu thành công, khả năng chuỗi bún chả này hoàn toàn có thể được bán từ vài triệu đến vài chục triệu USD nằm trong tầm tay.
Ẩm thực Việt Nam từng làm bao người say mê và sẽ có thể còn làm nhiều người trên thế giới nữa say mê. Tiềm năng này là có thật, hiện hữu và những khởi nghiệp này sẽ dễ thành công hơn nhiều so với vô số thứ xa vời vợi, vốn không phải thế mạnh của Việt Nam.
Trước đó nhiều năm, người thầy của môn chiến lược kinh doanh Michael Porter khi đến Việt Nam từng đưa ra những phân tích chiến lược, tìm tòi thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam và đưa ra một gợi ý rất cụ thể là Việt Nam hãy khởi nghiệp bằng công nghiệp ẩm thực – Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới”.
Trào lưu lớn nhất ở Việt Nam hiện giờ vẫn là khởi nghiệp công nghệ. Điều này không sai, song tỷ lệ thành công của loại hình này luôn rất khiêm nhường, chỉ chừng một vài phần trăm vì hiện đây vẫn chưa là thế mạnh nổi bật của Việt Nam. Bởi vậy, nói chung các bạn không phải siêu sao công nghệ làm ơn vứt hết bàn phím với chuột đi mà xắn tay áo làm dự án khởi nghiệp kiểu ẩm thực dân dã như này, đưa món ăn đường phố Việt Nam ra thế giới lại là “ngon”.