Mỹ là một trong những đối tác đầu tư, thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh TPP mà Việt Nam và Mỹ là thành viên đã được ký kết và có hiệu lực thời gian tới, chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ đang tạo nên nhiều tín hiệu tốt đẹp.
Từ số 0 đến thị trường XK lớn nhất của Việt Nam
Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều bước tiến quan trọng trong quá trình bắt tay trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại.
Một trong những dấu mốc hội nhập quan trọng nhất là việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA) vào năm 2000. Nhắc lại sự kiện này, TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Hiệp định này đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế và được ví như bước tập dượt quan trọng trước khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì nhiều nội dung cam kết theo cách tiếp cận của WTO.
Vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, kể cả những lo ngại, hiệp định này đã mang lại thành quả cho Việt Nam khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và XK đi Mỹ tăng trưởng ngoạn mục sau khi ký kết. Nếu năm 2000, năm ký kết BTA, XK của Việt Nam sang Mỹ mới chỉ đạt con số hơn 700 triệu USD, sau 5 năm, năm 2005 con số này đã lên tới gần 6 tỷ USD, và đến năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ và đây là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD năm 2014.
Dệt may lạc quan XK vào Mỹ. |
Đến tháng 4/2016, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam và liên tục xuất siêu sang thị trường này.
Về quan hệ đầu tư, Mỹ cũng luôn nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Mỹ đang đứng thứ 8 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 806 dự án và 11,7 tỷ USD.
Vốn đầu tư của Mỹ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản; tập trung tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Cà Mau, Bình Dương, TP HCM…
Hiện nay nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Microsoft… đã đầu tư mạnh vào Việt Nam với mục tiêu biến nước ta thành một trong những cơ sở quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh…
Việc tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao. Đây là cơ hội lớn để nâng tầm kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới.
TPP và cơ hội thắt chặt quan hệ Việt – Mỹ
Dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung, quan hệ đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ còn rất thấp so với tiềm năng cũng như quan hệ thương mại của hai nước. Việc TPP được ký kết vào tháng 2/2016 và có hiệu lực sau 2 năm đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác của cả hai phía.
Tính toán của Bộ Công Thương trong tờ trình mới đây gửi Thủ tướng về TPP, cơ quan này cũng tỏ rõ sự lạc quan về thương mại, đầu tư với Mỹ.
Đơn cử như với ngành dệt may, Bộ Công Thương thấy rằng với mức cam kết như đã đạt được với Mỹ (giảm khoảng 63,5% số thuế phải nộp ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp tục giảm thêm theo lộ trình xuống 0%), kim ngạch có thể tăng đáng kể.
Nếu không có TPP dự kiến kim ngạch XK dệt may vào Mỹ có thể đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm 2018 và 14,5 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng sau khi ký TPP, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch năm 2018 dự kiến sẽ đạt ngay 16 tỷ USD (thêm được 3 tỷ USD) và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (thêm được 5,5 tỷ USD). Nếu kim ngạch tăng được như dự kiến, có thể tạo thêm hàng triệu việc làm mới.
Việc có quan hệ FTA với Mỹ cũng như EU, liên minh kinh tế Á - Âu sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường XNK theo hướng cân bằng hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Bởi vì hiện Việt Nam đang dựa quá mạnh vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN.
Ngoài ra, các DN của Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Mỹ trong khi các DN của các nước cạnh tranh với Việt Nam, do chưa có quan hệ FTA với Mỹ nên sẽ không được tham gia.
Theo số liệu của Mỹ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Mỹ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng XK của Việt Nam và là lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước trong khu vực chưa có quan hệ FTA với Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những cơ hội để mở rộng quan hệ đầu tư, thương mại với Mỹ sẽ chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu các DN nắm bắt được những lợi thế của TPP, thậm chí có thể bị mất thị trường ngay trên “sân nhà”. Bài học từ hiệp định BTA hay WTO vẫn còn nguyên giá trị.
TS Nguyễn Chiến Thắng cho rằng: Với BTA, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội trên “sân khách” khi các DN đã đẩy mạnh XK sang Mỹ nhờ ưu đãi hơn về mức thuế, thì trên “sân nhà” các DN lại không làm được như vậy.
Đoàn đàm phán của chúng ta rất nỗ lực trong việc trì hoãn việc mở cửa ngành dịch vụ bán lẻ là một ngành chúng ta coi là rất nhạy cảm (trong tạo việc làm) và đạt được thỏa thuận với Mỹ đến năm 2009 (sau 9 năm) mới mở cửa dịch vụ này. Gia nhập WTO, chúng ta cũng bảo lưu cam kết này.
“Tuy nhiên, trong 9 năm đó, cả về phía Chính phủ, cả về phía DN đều chưa có những nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đối phó với các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh trên thế giới. Kết quả là các hãng bán lẻ nước ngoài đang dễ dàng xâm nhập ngày càng mạnh vào thị trường trong nước với các tên tuổi lớn như Big C, Metro, Lotte, Parkson, Aeon… chiếm lĩnh các vị trí “đắc địa” nhất tại các thành phố lớn”, ông Nguyễn Chiến Thắng bày tỏ băn khoăn.