Việc Obama phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam diễn ra hôm 24/2 theo giờ địa phương. Sau đó Quốc hội Mỹ sẽ xem xét thỏa thuận trong 90 ngày. Nếu nội dung thỏa thuận không trái với luật nào, nó sẽ chính thức có hiệu lực, AFP đưa tin.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Entrepreneur |
Giới chức Mỹ cho biết, theo nội dung thỏa thuận, Việt Nam không sản xuất nhiên liệu phóng xạ dành cho vũ khí hạt nhân và tuân thủ các tiêu chuẩn chống vũ khí nguyên tử của Mỹ. Nhà Trắng tuyên bố đây là thỏa thuận với những điều khoản chặt chẽ nhất của họ.
“Tôi kết luận rằng thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam sẽ thúc đẩy, nhưng không tạo ra bất kỳ nguy cơ nào, đối với hoạt động quốc phòng và an ninh”, Obama tuyên bố trong văn bản mà ông gửi tới Bộ Năng lượng Mỹ.
Trong một biên bản mà Việt Nam ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tháng 10 năm ngoái, Hà Nội cam kết không làm giàu hay tái chế uranium – những hoạt động quan trọng đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng sẽ tìm kiếm các thiết bị, linh kiện cho chu trình nhiên liệu trên thị trường quốc tế mở.
Thị trường năng lượng hạt nhân ở Việt Nam đang chiếm vị trí thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc, và có thể tăng trưởng tới quy mô 50 tỷ USD vào năm 2030. Mục tiêu của Việt Nam là đưa tỷ lệ năng lượng hạt nhân lên mức 10% tổng sản lượng điện vào năm 2030.