Biểu tình tại Place de la Republique hôm 21/3. Ảnh: Reuters. |
“Quý vị nghĩ tôi có thích thực hiện cải cách này hay không? Không hề!”, Reuters dẫn lời ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Nhưng không có hàng trăm cách để cân bằng giữa các cá nhân. Cải cách này là cần thiết”.
“Giữa các cuộc thăm dò và lợi ích chung của đất nước, tôi chọn lợi ích chung”, vị tổng thống nói thêm, chỉ trích “bạo lực cực độ” mà có lúc ông so sánh với vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ vào ngày 6/1/2021.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Pháp phản đối cải cách hưu trí, trong đó nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Trợ lý của ông Macron cho biết cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhằm mục đích "làm dịu mọi thứ". Ông Macron nói mình “không hối tiếc” và muốn cải thiện mối quan hệ căng thẳng với các liên đoàn lao động, đưa họ tham gia nhiều hơn vào các quyết định tương lai.
Dẫu vậy, những phản ứng ban đầu cho thấy bình luận của ông có thể phản tác dụng. "Dối trá!", Laurent Berger - người đứng đầu CFDT, công đoàn lớn nhất của Pháp - viết trên Twitter.
Nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cho rằng cuộc phỏng vấn thể hiện sự coi thường với người lao động: “Ông ấy xúc phạm tất cả người dân Pháp nói chung và tất cả người đang phản đối".
“Phản ứng tốt nhất chúng tôi có thể đáp lại tổng thống là kêu gọi hàng triệu người đình công và xuống đường ngày mai”, Philippe Martinez - lãnh đạo đến từ công đoàn CGT - nói, nhấn mạnh ông Macron đang chế giễu người lao động bằng cuộc phỏng vấn "lạ lùng".
Các công đoàn cho biết ngày thứ 9 biểu tình và đình công trên toàn quốc vào ngày 23/3 sẽ thu hút đám đông khổng lồ. Những cuộc biểu tình kể từ tháng 1 phản đối dự luật đã thu hút rất nhiều người.
Hầu hết biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng sự tức giận tăng cao kể từ khi chính phủ Pháp thúc đẩy dự luật mà không bỏ phiếu tại Quốc hội.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.