Bà Park đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội vào hôm nay (8/12) trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối bà ngày càng lớn hơn, náo động hơn và ở rất gần phủ tổng thống.
Các trợ lý cho biết bà có rất ít khách đến thăm trong những ngày tự giam mình ở Nhà Xanh, ngôi nhà thời thơ ấu của bà.
Ở tuổi 64, bà không kết hôn và không có con cái. Các em đã rời xa bà từ nhiều năm nay. Ba phụ tá thân cận nhất của bà đã bị sa thải sau vụ bê bối tham nhũng đang đe dọa nhiệm kỳ tổng thống. Một người bị bỏ tù. Choi Soon-sil, bạn thân và tâm phúc của bà Park, cũng đang ở trong trại giam.
Khoảng 1,7 triệu người biểu tình tại trung tâm Seoul thứ bảy tuần trước, kêu gọi bà Park từ chức.
Ảnh: Reuters. |
Bà Park đã ngừng tham gia các cuộc họp nội các. Trong bài phát biểu xin lỗi trước công chúng, nữ tổng thống nói bà rất khổ tâm. Bà mất ngủ nhiều đêm và có lúc hối hận vì đã trở thành tổng thống.
"Bà ấy trở nên cực kỳ nhợt nhạt", Chung Jin Suk, lãnh đạo quốc hội của đảng cầm quyền Saenuri, người đến Nhà Xanh thăm bà Park vài ngày trước, cho biết. "Bà ấy đã mấy lần xin lỗi các nhà lập pháp của chúng tôi".
Trái tim tan vỡ
Hồi tháng 10, vụ bê bối được tiết lộ trước công chúng. Bà Park bị cáo buộc đồng mưu với bà Choi cưỡng đoạt hàng chục triệu USD từ các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, nữ tổng thống đã giúp người bạn thân Choi, người không có chức vụ chính thức nào, thao túng công việc của chính phủ.
Công chúng Hàn Quốc lập tức trở nên phẫn nộ. Bà Park cũng hiếm khi xuất đầu lộ diện từ đó đến nay. Gần đây nhất, bà tiếp đón một phái đoàn Kazakhstan vào ngày 10/11 và có cuộc điện đàm với tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ.
Bà đã 3 lần xin lỗi trên truyền hình, mỗi lần chỉ vài phút và có những lúc bà xúc động đến nghẹn ngào. "Tim tôi tan nát khi nghĩ đến việc mình không thể nào giải tỏa sự giận dữ và thất vọng sâu sắc của người dân cho dù có xin lỗi cả trăm lần", bà nói.
Tổng thống Park Geun-hye ít khi xuất hiện trước công chúng sau khi vụ bê bối tham nhũng bị vỡ lở. Ảnh: Korea Times. |
Từ văn phòng tổng thống, bà Park có thể nghe thấy tiếng người biểu tình kêu gọi bà từ chức mỗi tuần. Những cuộc biểu tình đã tăng từ 20.000 người ở trung tâm Seoul 6 tuần trước lên khoảng 1,7 triệu người vào cuối tuần qua. Họ chỉ cách dinh thự của bà hơn trăm mét để hét lên "Đuổi bà ta đi!".
Các trợ lý từ chối bình luận về lịch trình thường nhật hay tâm trạng của bà lúc này. Họ chỉ nói rằng bà bị khủng hoảng nghiêm trọng và đang cố gắng hết sức để đương đầu.
Họ cho biết bà đã mời một số lãnh đạo Cơ đốc và nhà sư Phật giáo đến để tìm lời khuyên. Văn phòng của bà không tiết lộ nội dung cuộc thảo luận, ngoại trừ việc các nhà sư đã trích dẫn một câu trong kinh Phật: "Cây sinh quả khi nó rụng hoa".
Với nhiều người Hàn Quốc, đóa hoa đã tan nát. Khi tỷ lệ ủng hộ bà Park sụt giảm mạnh, nhiều chủ cửa hàng ở Hàn Quốc đã gỡ bỏ hình ảnh của bà mà họ từng tự hào treo trên tường.
Ngay cả ở quê nhà Daegu, nơi bà Park có chuyến thăm ngắn ngủi tuần trước, nữ tổng thống cũng chạm trán với những người biểu tình đòi bà từ chức. Các nhân viên cho biết sau khi thăm một khu chợ cổ trăm năm tuổi, bà đã quay trở lại xe và khóc.
Có lẽ, lần gần đây nhất một lãnh đạo Hàn Quốc bị cô lập đến vậy là vào năm 2008. Đám đông lớn tụ tập ở trung tâm Seoul hàng tuần liền phản đối quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ của Tổng thống Lee Myung Bak vì lo ngại bệnh bò điên.
Thời điểm đó, ông Lee được cho là đã leo lên núi Bugak gần Nhà Xanh vào buổi tối. Ông đã khóc khi nhìn thấy ánh nến của người biểu tình tràn ngập trung tâm thành phố.
Ký ức đau buồn
Đối với bà Park, Nhà Xanh đã trở thành nơi tràn ngập những ký ức đau buồn. Bà chuyển đến đây lần đầu năm 9 tuổi, khi cha của bà, Tướng Park Chung-hee lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Ở tuổi 22, bà là người phụ nữ quan trọng nhất tại phủ tổng thống sau khi mẹ bị sát hại.
Bà rời dinh tổng thống năm 1979 sau khi cha bị ám sát và quay trở lại trên cương vị nữ tổng thống đầu tiên vào năm 2013.
Bà Park trải qua bi kịch gia đình với nỗi buồn đè nặng trong lòng và quyết định lựa chọn lối sống khắc khổ. Nữ tổng thống nói rằng bà thường dành các buổi tối đọc báo cáo của chính phủ một mình. Bà tránh xa các cuộc họp riêng với các trợ lý cấp cao. Đầu bếp cũ của bà cho biết bà thường ngồi ăn và xem TV một mình.
Bà Park (người đứng giữa, ở phía sau) trong một bức ảnh chụp cùng cha mẹ và các em. Ảnh: Reuters. |
Bà cũng nói rằng bà đã cắt đứt quan hệ với các em để ngăn chặn gia đình trị, điều đem lại tai ương cho các tổng thống trước đây. Bà có 2 con chó Jindo trắng, giống chó Hàn Quốc được đánh giá cao bởi lòng trung thành.
Tuy nhiên, khi phà Sewol bị chìm vào năm 2014 làm 300 người thiệt mạng, chánh văn phòng của bà cho biết ông không thể xác định vị trí của bà trong 7 giờ đồng hồ.
Khi một trong những thảm họa lớn nhất nhiều thập kỷ ở Hàn Quốc xảy ra, bà Park ở đâu trong những giờ khắc quan trọng vẫn là bí mật được giữ kín. Điều này làm dấy lên những tin đồn khủng khiếp.
Trong lời khai trước phiên điều trần tại quốc hội, cựu chánh văn phòng của bà, Kim Ki-choon, chỉ nói ông không biết bà ở đâu trong dinh thự của tổng thống. "Tôi chỉ biết bà ấy ở chỗ nào đấy trong Nhà Xanh. Tôi không rõ bà ấy làm gì trong thời gian riêng tư ở dinh thự đó", ông nói.
Đến thời điểm này, rất ít người Hàn Quốc còn tin tưởng bà. Theo các cuộc thăm dò dư luận, bà đã trở thành tổng thống ít được tín nhiệm nhất từ khi Hàn Quốc thiết lập nền dân chủ cuối những năm 1980.
Với bà Park, mọi chuyện có thể đã quá muộn màng. Thứ 7 tuần trước, đám đông bên ngoài Nhà Xanh đã bày tỏ chút thương cảm. Một số người đã hét lên "Nếu cô đơn quá, sao bà không vào tù với Choi Soon Sil?".