Một người đang theo dõi màn hình tivi tại nhà ga xe lửa, phát sóng bản tin về tuyên bố thiết quân luật của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và thông báo tiếp theo cho thấy ông sẽ dỡ bỏ thiết quân luật sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội. Ảnh: Soo-hyeon Kim/Reuters. |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sáng 4/12 đã dỡ bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp ông đã ban bố vào đêm hôm trước, nhượng bộ trước áp lực của các nhà lập pháp và người biểu tình sau nỗ lực táo bạo của ông nhằm vượt qua bế tắc chính trị đã cản trở nhiệm kỳ của mình trong nhiều năm.
Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon - được đưa ra trong một bài phát biểu trên truyền hình không theo lịch trình vào đêm muộn 3/12 - đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà lập pháp cũng như nhiều người dân nước này. Nhưng ý đồ của ông Yoon dường như đã phản tác dụng trong suốt một đêm căng thẳng, và trước khi Mặt Trời mọc ở Seoul vào sáng 4/12, ông đã lùi bước.
Giữa lúc các cuộc biểu tình ôn hòa có khả năng nổ ra ở Seoul, Quốc hội đã bỏ phiếu với tỷ lệ 190-0 để bãi bỏ thiết quân luật. Vài giờ sau, ông Yoon triệu tập nội các, và việc dỡ bỏ thiết quân luật đã được nội các bỏ phiếu thông qua.
Theo tường thuật của truyền thông Hàn Quốc, chỉ có 190 trong tổng số 300 nghị sĩ Hàn Quốc có mặt tại phiên họp diễn ra bên trong tòa nhà Quốc hội.
190/190 nghị sĩ có mặt bỏ phiếu tán thành nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, nhấn mạnh động thái của Tổng thống Yoon là vô hiệu.
"Theo nghị quyết của Quốc hội, Tổng thống phải ngay lập tức dỡ bỏ thiết quân luật. Tuyên bố thiết quân luật hiện không còn hiệu lực. Tôi mong người dân yên tâm. Quốc hội sẽ làm việc với nhân dân bảo vệ nền dân chủ", Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik nhấn mạnh.
Cũng tại Nhà Quốc hội, ông Woo tuyên bố tất cả các binh sĩ thực thi thiết quân luật đều đã rời đi sau khi nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng này được Quốc hội thông qua.
Người biểu tình đợi bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Seoul sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ. Ảnh: New York Times. |
Theo hãng tin Yonhap, khi ban bố tình trạng thiết quân luật đêm 3/12, Tổng thống Yoon cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”. Phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ông Yoon đã nói rằng quyết định được đưa ra nhằm "bảo vệ trật tự theo hiến pháp".
Đây là lần đầu tiên Tổng thống nước này ban bố thiết quân luật trong 44 năm qua. Lần gần nhất Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là khi cuộc nổi dậy Gwangju chống chính quyền quân sự nổ ra vào tháng 5/1980.
Một số diễn biến chính đáng chú ý:
- Biểu tình ở Seoul: Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài Quốc hội, hô vang "Chấm dứt thiết quân luật!". Trong những hình ảnh do các kênh truyền hình địa phương phát sóng, một số người dường như đang nỗ lực vào tòa nhà trong khi bị cảnh sát ngăn cản. Gần về sáng, các cuộc biểu tình bùng phát và tràn vào các đường phố liền kề của Yeouido, khu vực ở Seoul nơi tòa nhà Quốc hội tọa lạc. Hàng nghìn người đã lấp đầy một đoạn đường 8 làn xe để kêu gọi bắt giữ tổng thống.
- Bế tắc chính trị: Thắng cử sau một cuộc đua sát nút vào năm 2022, ông Yoon đã liên tục trong thế bế tắc chính trị với phe đối lập, phe kiểm soát Quốc hội. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình toàn quốc vào tối 3/12, ông đã lên án phe đối lập vì nhiều lần sử dụng thế đa số để luận tội các thành viên trong nội các của ông và chặn các kế hoạch ngân sách của chính phủ. Ông Yoon cho biết điều này đã "làm tê liệt chính quyền". "Quốc hội, vốn phải là nền tảng của nền dân chủ tự do, đã trở thành một con quái vật phá hủy nền dân chủ đó", ông nói.
- Phe đối lập: Lee Jae Myung, lãnh đạo phe đối lập, đã bác bỏ tuyên bố của ông Yoon. "Không có lý do gì để ban bố thiết quân luật. Chúng ta không thể để quân đội cai trị đất nước này", ông Lee nói. "Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phản bội nhân dân". ông nhấn mạnh. Ông gọi tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon là "bất hợp pháp".
- Thiết quân luật như thế nào: Tướng quân đội Park An Su, người được bổ nhiệm làm chỉ huy thiết quân luật, đã tuyên bố cấm "mọi hoạt động chính trị", bao gồm các hoạt động của đảng phái chính trị và các cuộc biểu tình của công dân, và các hoạt động lao động. Tướng Park cho biết trong một sắc lệnh rằng "mọi phương tiện truyền thông và ấn phẩm đều nằm dưới sự kiểm soát của lệnh thiết quân luật", cảnh báo rằng những người phát tán "tin giả" có thể bị bắt mà không cần lệnh của tòa án.
- Phản ứng của đảng Quyền lực Nhân dân: Động thái của ông Yoon bị chính lãnh đạo đảng chính trị của ông chỉ trích. Ông Han Dong Hoon, người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân, nói trên Facebook rằng "tuyên bố thiết quân luật của tổng thống là sai" và ông sẽ "làm việc với người dân để ngăn chặn điều đó".
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.