Sau khi các hòm phiếu được niêm phong lúc 16h (giờ địa phương) và quá trình kiểm tra diễn ra với một phần tư số phiếu, Reuters cho biết khoảng 63% người dân đồng ý với kế hoạch thay đổi hiến pháp.
Kết quả thăm dò dư luận trước khi chính thức diễn ra cuộc trưng cầu ý với 55 triệu người tham dự cũng cho thấy đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ tán thành 18 điều trong gói cải cách của Đảng Công lý và Phát triển (AKP), cho phép gia tăng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nếu dự luật trên được thực thi, chức vụ thủ tướng sẽ lần đầu tiên bị bãi bỏ trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan sẽ trở thành "siêu tổng thống" ở cả khía cạnh quyền hạn và thời gian giữ chức.
Ông Erdogan có thể trở thành một "siêu tổng thống" với rất nhiều quyền lực. Ảnh: AFP. |
Ông sẽ có thêm vai trò điều hành chính phủ, đề xuất các khoản thu chi trong ngân sách, ban hành sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua. Tổng thống cũng sẽ có quyền bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội.
Tổng thống Erdogan sẽ điều hành quốc gia bằng các sắc lệnh song song với văn bản luật do quốc hội soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, ông chỉ có thể bị bãi nhiệm nếu có 60% số nghị sĩ tán thành.
Những người ủng hộ ông Erdogan cho rằng việc cải cách hiến pháp sẽ giúp vực dậy nền kinh tế trì trệ của đất nước cũng như ổn định chính trị. Tuy nhiên, những người phản đối dự luật lại lo sợ về việc tổng thống được trao quá nhiều quyền hạn.
Một số quốc gia châu Âu cũng tỏ ra lo ngại về điều này, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ kết nối châu Âu và Nga. Trong diễn biến mới nhất, đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu kiểm lại 60% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý.