Theo Guardian, trong cuộc họp báo ngày 21/6, Tổng thống mới đắc cử Ebrahim Raisi đưa ra lời hứa cứu vãn thỏa thuận hạt nhân của Iran nhằm đưa đất nước ra khỏi các lệnh trừng phạt tàn khốc của Mỹ.
“Không thể thương lượng được”, ông Raisi nói về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, đồng thời khẳng định “Mỹ có nghĩa vụ dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt đang áp dụng chống lại Iran”.
Tuy nhiên, ông Raisi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận. Ông cũng coi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là “trọng tâm chính sách đối ngoại”, đồng thời khuyến khích Mỹ “quay trở lại và thực hiện theo các cam kết”.
Ông cũng bác bỏ mọi giới hạn khi đề cập đến khả năng tên lửa của Iran và sự hậu thuẫn của quốc gia này đối với lực lượng dân quân trong khu vực - bao gồm phiến quân Houthi của Yemen và Hezbollah của Lebanon. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Washington coi là thiếu sót trong thỏa thuận mang tính bước ngoặt mà chính quyền ông Joe Biden mong muốn giải quyết.
Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran mang tính bước ngoặt đã được nước này ký kết với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh sau các cuộc đàm phán kéo dài nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng thống mới của Iran Ebrahim Raisi trong cuộc họp báo ngày 21/6. Ảnh: Guardian. |
Khi được hỏi về cuộc gặp trong tương lai với Tổng thống Joe Biden, ông Raisi trả lời dứt khoát mà không đưa ra thêm lời giải thích nào: "Không".
Nhà Trắng hiện chưa phản hồi về phát ngôn này của ông Raisi.
Về vấn đề với Saudi Arabia, tổng thống đắc cử không ngần ngại bày tỏ quan điểm “không có vấn đề gì” khi mở lại Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran. Sau một vài cuộc đàm phán bí mật với Saudi Arabia tại Baghdad để giải quyết một số điểm còn tranh chấp, ông Raisi khẳng định hai bên sẽ “khôi phục lại mối quan hệ mà không gặp bất cứ rào cản nào”.
Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran đã đóng cửa từ năm 2016 sau khi người Iran phẫn nộ trước việc quốc gia này hành quyết một giáo sĩ Shia nổi tiếng.
Cuộc họp báo cũng đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo từng đứng đầu cơ quan tư pháp lên tiếng về vai trò của ông trong vụ hàng nghìn tù nhân chính trị bị hành quyết năm 1988. Tuy không đưa ra câu trả lời cụ thể, ông Raisi tự tin mô tả mình là “người bảo vệ nhân quyền”.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự lạc quan trong việc phục hồi kinh tế và chống tham nhũng tại Iran trong nhiệm kỳ sắp tới.
Thẩm phán bảo thủ Ebrahim Raisi đã giành chiến thắng áp đảo hôm 19/6 trong cuộc bầu cử tổng thống Iran có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử - tương đương 48,8% trong tổng số hơn 59 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu.
Theo số liệu chính thức được công bố, ông Raisi đã giành được tổng cộng 17,9 triệu phiếu bầu, chiếm 62% trên tổng số 28,9 triệu phiếu, bỏ xa so với người đứng thứ hai là ứng cử viên Mohsen Rezaei (chỉ giành được hơn 3,4 triệu phiếu bầu).