Ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm giải ngân 7 tỷ USD vốn bị đóng băng, thuộc sở hữu của chính phủ tiền nhiệm tại Afghanistan, Guardian đưa tin.
Khoản tiền này sau đó sẽ được phân chia sử dụng để viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, cũng như bồi thường cho các nạn nhân của vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Tổng thống Biden ký sắc lệnh giải ngân 7 tỷ USD của Afghanistan bị đóng băng. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, khi chính quyền ông Biden cân nhắc về việc phải làm gì với số tiền này, một nhóm người thân của các nạn nhân trong vụ tấn công ngày 11/9 đã tìm cách lấy số tiền này.
Vụ việc được biết đến với tên gọi là Havlish; các nguyên đơn đã thuyết phục một thẩm phán cử cảnh sát trưởng Mỹ đến Cục Dự trữ Liên bang với một “lệnh thi hành án” để lấy số tiền.
Chính phủ Biden đã can thiệp vào vụ việc, và dự kiến đề xuất với tòa án sử dụng một nửa số tiền để bồi thường cho các nạn nhân trong vụ khủng bố, bao gồm nạn nhân của vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Nếu thẩm phán đồng ý, ông Biden sẽ tìm cách chuyển một nửa còn lại, tương đương với khoản 3,5 tỷ USD, vào khoản quỹ ủy thác hỗ trợ nhân đạo "vì lợi ích của người dân và tương lai của Afghanistan". Chính quyền hiện tại ở Afghanistan sẽ không được quyền tiếp cận quỹ nói trên.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ lập luận rằng tất cả tài sản của Afghanistan nên được dùng để giúp đỡ người dân nước này đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng tăng.
Số tiền - bao gồm tiền tệ, trái phiếu và vàng - chủ yếu đến từ các quỹ ngoại hối tích lũy trong hai thập kỷ qua khi viện trợ phương Tây đổ vào Afghanistan. Nhưng nó cũng bao gồm tiền tiết kiệm của những người Afghanistan bình thường, những đối tượng hiện phải đối mặt với bạo lực và nạn đói ngày càng gia tăng.
Trên thực tế, khoản 7 tỷ USD nói trên đã bị "phong tỏa" tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau khi chính quyền tiền nhiệm ở Kabul sụp đổ và lực lượng Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi giữa năm 2021.
Trước đó, Taliban đã tiếp quản ngân hàng trung ương Afghanistan và ngay lập tức yêu cầu quyền đối với số tiền này, nhưng theo các lệnh trừng phạt chống khủng bố, việc tham gia vào giao dịch tài chính với tổ chức này là bất hợp pháp. Mỹ vẫn chưa công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Một số người cảnh báo động thái mới của Mỹ có thể đẩy hệ thống ngân hàng vốn đã chịu nhiều áp lực của Afghanistan đến bờ vực và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói và 98% đất nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực.
Tình trạng thiếu tiền mặt đã dẫn đến các giới hạn nghiêm ngặt về số tiền tiết kiệm mà người dân có thể rút ra hàng tuần, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế khi lạm phát tăng cao.