Trong buổi nói chuyện với ông Zelensky, Tổng thống Biden cho biết Mỹ luôn sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác đáp trả dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine. Ông Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo AFP.
Tuyên bố từ phía Mỹ cho biết Washington "đang mở rộng biện pháp hỗ trợ kinh tế Ukraine, trong bối cảnh Nga xây dựng quân đội".
Trước những chỉ trích về việc Mỹ kêu gọi công dân rời Ukraine, ông Biden nói với ông Zelensky rằng đại sứ quán "vẫn mở và hoạt động đầy đủ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Ảnh: Times of Israel. |
Viết trên Twitter, ông Zelensky cho biết đã có cuộc "nói chuyện dài" với ông Biden, tập trung vào nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng và nhất trí về các hành động chung cho tương lai.
Ông Zelensky cảm ơn ông Biden về việc Mỹ chuyển giao vũ khí, cũng như thảo luận liên quan đến khả năng hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Mỹ kêu gọi một cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 31/1 để thảo luận về khủng hoảng Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng đây là cơ hội để làm rõ các ý đồ của Nga về các hành động của nước này, theo AFP.
Là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào được đưa ra.
"Dù họ có quyền phủ quyết, họ sẽ cảm thấy bị cô lập nếu Hội đồng Bảo an đưa ra vấn đề này. Chúng tôi muốn tạo một mặt trận thống nhất chống lại Nga", bà Thomas-Greenfield nói.
"Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia nào trong Hội đồng Bảo an sẽ ngồi lại và chấp nhận việc Nga xâm lược biên giới nước khác", bà nói thêm.