Mục tiêu mới đầy bất ngờ này của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được đưa ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu diễn ra từ 22-24/4, nhân Ngày Trái đất với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo toàn cầu, theo BBC.
Mỹ hy vọng rằng kế hoạch mới đầy tham vọng của nước này sẽ khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác tiến xa hơn trước cuộc họp quan trọng COP 26, tại Glasgow, Anh vào tháng 11.
Tổng thống Biden tái gia nhập hiệp định Paris vào ngày đầu tiên ông nhậm chức và cam kết tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngay sau đó. Ảnh: BBC. |
Giải quyết biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm trong những tháng đầu cầm quyền của Tổng thống Joe Biden.
Cùng với việc tái gia nhập hiệp ước khí hậu Paris và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngày 22/4, chính quyền Biden đã và đang thực hiện cam kết mạnh mẽ để thuyết phục thế giới quyết tâm của nước Mỹ.
Tuy nhiên, một số người bày tỏ hoài nghi về khả năng Mỹ thực hiện mục tiêu mới của mình bởi sự chia rẽ trong nền chính trị nước này.
Trong khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện, thế cục tại Thượng viện về cơ bản đang rơi vào bế tắc. Điều này có thể khiến việc thông qua luật khí hậu mới trở nên khó khăn.
“Đối với tôi, dường như Tổng thống Biden đang còn chịu những ràng buộc và ông ấy phải đối phó với Quốc hội”, bà Samantha Gross từ Viện Brookings chia sẻ.
Trong số 40 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh sẽ có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bất chấp những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây, cả hai bên dường như đều muốn giữ vấn đề biến đổi khí hậu tách biệt khỏi những tranh chấp.
Vương quốc Anh cũng là một trong những quốc gia muốn thể hiện tham vọng của mình trước thềm cuộc họp. Hồi đầu tuần, Thủ tướng Anh đã công bố mục tiêu "hàng đầu thế giới" của Anh là cắt giảm 78% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2035.
Tuy nhiên với các quốc gia khác, những nước chậm chạp trong việc có các hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như Brazil và Australia, động thái của chính quyền Biden vẫn tỏ ra kém hiệu quả.