Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng con người chứ không phải AI sẽ đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru, ngày 16/11. Ảnh: Reuters.

"Hai nhà lãnh đạo khẳng định cần phải duy trì sự kiểm soát của con người đối với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm 16/11.

"Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần cân nhắc cẩn thận các rủi ro tiềm ẩn và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm".

Theo Reuters, Bộ ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Không rõ liệu tuyên bố nói trên có dẫn đến các cuộc đàm phán tiếp theo hay hành động về vấn đề này hay không. Tuy nhiên, đây cũng là bước đi đầu tiên giữa hai nước trong cuộc thảo luận về hai vấn đề vẫn chưa ngã ngũ về tiến tình diễn ra: vũ khí hạt nhân và trí tuệ nhân tạo. Washington trong nhiều tháng đã thúc đẩy Bắc Kinh để thay đổi sự phản đối lâu nay đối với các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân.

Hai nước đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chính thức về vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn vào tháng 11 nhưng các cuộc đàm phán đó đã bị đình trệ, và một quan chức cấp cao của Mỹ công khai bày tỏ sự thất vọng về phản ứng của Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán chính thức về kiểm soát vũ khí hạt nhân không có khả năng sớm diễn ra, bất chấp những lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân nhanh chóng, mặc dù các cuộc trao đổi bán chính thức đã được nối lại.

Về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán song phương chính thức đầu tiên về vấn đề này vào tháng 5 tại Geneva, nhưng những cuộc đàm phán đó được cho là không đề cập đến việc ra quyết định về vũ khí hạt nhân.

Theo ước tính vào năm ngoái của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh có 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động và có thể sẽ triển khai hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Con số này tương ứng với 1.770 và 1.710 đầu đạn đang hoạt động do Mỹ và Nga triển khai.

Lầu Năm Góc cho biết đến năm 2030, phần lớn vũ khí của Bắc Kinh có thể sẽ được giữ ở mức độ sẵn sàng cao hơn.

Từ năm 2020, Trung Quốc cũng đã hiện đại hóa chương trình hạt nhân, bắt đầu sản xuất tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ tiếp theo, thử nghiệm đầu đạn phương tiện lướt siêu vượt âm và tổ chức các cuộc tuần tra trên biển có vũ trang hạt nhân thường xuyên.

Vũ khí trên bộ, trên không và trên biển mang lại cho Trung Quốc "bộ ba hạt nhân" - dấu hiệu đặc trưng của một cường quốc hạt nhân lớn.

Trung Quốc chưa chính thức nêu chi tiết về kho vũ khí của mình nhưng chính thức duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên và duy trì khả năng răn đe hạt nhân hiện đại ở mức tối thiểu. Các quan chức năm nay cũng thúc giục các cường quốc khác áp dụng lập trường tương tự.

Trong các cuộc trao đổi bán chính thức gần đây với các học giả và quan chức đã nghỉ hưu của Mỹ, các học giả Trung Quốc cho biết chính sách của nước này vẫn không thay đổi và mô tả các đánh giá của phương Tây là "phóng đại".

Chính quyền Tổng thống Biden đã cập nhật hướng dẫn hạt nhân mật trong năm nay và một phát ngôn viên của Nhà Trắng trước đó đã nói rằng bản cập nhật "không phải là phản ứng đối với bất kỳ thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào", mặc dù thường bày tỏ lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

Phương Hải

Bạn có thể quan tâm