Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tổng thống Biden đảo ngược chính sách của ông Trump tại hội nghị G20

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách đảo ngược các chính sách quan trọng của cựu Tổng thống Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh G20.

My tai hoi nghi G20 anh 1

Gần 5 tháng sau khi Tổng thống Biden tuyên bố “Nước Mỹ trở lại” trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Mỹ một lần nữa nỗ lực khẳng định vai trò của mình với các nước đồng minh.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại song phương dai dẳng liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm.

Ông Biden cùng thảo luận với các đồng minh về cách nối lại cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà người tiền nhiệm Donald Trump đã thất bại.

Ông cũng góp phần thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15%.

Và trên hết, tổng thống Mỹ đã đạt được thỏa thuận với nước khác để chấm dứt tài trợ của chính phủ cho các nhà máy nhiệt điện than mới, và giành lại vị trí lãnh đạo quốc tế về chủ đề biến đổi khí hậu mà ông Trump từng cố tránh né, Washington Post đưa tin.

"Mỹ là phần quan trọng nhất của toàn bộ chương trình nghị sự này", ông Biden nói tại cuộc họp báo hôm 31/10. “Mọi người đều tìm kiếm tôi. Mọi người đều muốn biết quan điểm của chúng tôi là gì”.

My tai hoi nghi G20 anh 2

Tổng thống Biden phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Rome hôm 31/10. Ảnh: AP.

Cố gắng đảm bảo sự đảo ngược

Nhưng giữa lúc ông Biden tìm cách thể hiện khả năng lãnh đạo của mình trên trường quốc tế, vị thế của tổng thống ở quê nhà ngày càng bấp bênh hơn, với việc ông Trump gửi những tín hiệu mạnh mẽ về khả năng quay trở lại Nhà Trắng.

Theo một cuộc thăm dò mới của NBC, chỉ có 42% người Mỹ tán thành việc mà ông Biden đang làm.

Trong bối cảnh đó, các cố vấn hàng đầu của chính quyền Biden thừa nhận nhiều nhà lãnh đạo thế giới dường như đã nhận thức rõ về sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Biden trong các cuộc thăm dò dư luận.

Họ lo ngại triển vọng giành lại chỗ đứng của đảng Cộng hòa tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một nhân vật nào đó có quan điểm “xa rời” đồng minh tương tự với ông lên nắm quyền khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc.

Nhà Trắng tin rằng các đồng minh của Mỹ muốn Tổng thống Biden đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể khi ông cam kết gắn bó với liên minh xuyên Đại Tây Dương.

“Các đồng minh của chúng tôi tin rằng chúng tôi phải ‘khóa’ càng nhiều tiến bộ càng tốt trong lúc có một tổng thống là người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương tại nhiệm”, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết. Điều đó có nghĩa là phải cố gắng đảm bảo những chính sách mới được duy trì ngay cả khi có sự thay đổi trong lãnh đạo của Mỹ.

Một số nhà lãnh đạo cho biết cuộc gặp cuối tuần trước, diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, đã giúp tái lập một hệ thống đa phương từng bị phá vỡ trong những năm gần đây.

“Bây giờ chúng tôi có một tham vọng chung, điều mà trước đây chúng tôi không có”, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo chủ chốt đã không đích thân tham dự hội nghị, điều mà ông Biden cho là “đáng thất vọng”. Những người này bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Còn nhiều khó khăn

Một số thỏa thuận trong hội nghị G20 được cho là nhằm giải quyết các vấn đề của nước Mỹ, một phần trong mục tiêu bao quát của “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu” (chính sách lấy người lao động làm trung tâm, ra quyết sách an ninh quốc gia trên cơ sở lợi ích người lao động).

Trong số đó, bàn về quyết định dỡ bỏ thuế quan thép và nhôm, động thái mà một số nhóm lao động đã phản đối, ông Biden cho biết ông đã tham khảo với các nhà lãnh đạo công đoàn.

Tổng thống Mỹ đã điện thoại cho người đứng đầu Liên đoàn Công nhân ngành thép United Steelworkers khi quyết định dỡ bỏ một số thuế kim loại, hành động được cho là bảo vệ nhiều công ăn việc làm.

My tai hoi nghi G20 anh 3

Tổng thống Biden bắt tay Tổng thống Macron. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, vẫn còn những mâu thuẫn chưa thể giải quyết trong chương trình nghị sự toàn cầu và vấn đề chính trị trong nước - đặc biệt là về biến đổi khí hậu, chủ đề mà ông Biden coi là chìa khóa cho di sản của mình.

Chính quyền Biden cho biết tổng thống đang làm việc với các nhà lãnh đạo khác để thúc đẩy các nước sản xuất dầu tăng nguồn cung.

Điều này dường như mâu thuẫn với thông điệp hạn chế phát thải và cắt giảm nhiên liệu hóa thạch mà ông Biden dự định đưa ra ngày 1/11 tại Glasgow, Scotland, trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được mong đợi.

"Bề ngoài nó có vẻ không nhất quán", ông Biden nói. Tuy nhiên, ông giải thích nhiên liệu hóa thạch không thể biến mất trong một sớm một chiều, và trước mắt ông tập trung vào việc ngăn chặn chi phí năng lượng tăng, làm tổn hại đến công nhân Mỹ.

“Họ phải bắt tay vào công việc của mình. Các xe buýt đến trường phải được vận hành”, tổng thống Mỹ cho biết.

Tuyên bố thẳng thắn này một lần nữa cho thấy những khó khăn mà Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác phải đối mặt trong việc cắt giảm lượng khí thải. Đó là sự đánh đổi nhu cầu thực tế trong nước để đạt tham vọng chống biến đổi khí hậu.

Theo Washington Post, phát biểu được đưa ra vào một thời điểm khó xử, giữa lúc hội nghị thượng đỉnh ở Rome được cho là sẽ tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow.

Các nhà hoạt động và lãnh đạo quốc gia hy vọng cuộc họp ở Glasgow sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu với những sông băng đang tan chảy, những mùa mưa lũ kỷ lục và những đợt nắng nóng chết người.

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận ngừng cấp vốn công cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay. Nhưng họ không đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng than trong nước, điều mà nhiều nhà hoạt động khí hậu cho rằng cần thiết để ngăn chặn sự nóng lên của hành tinh.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trên Twitter rằng ông rời Rome với hy vọng "chưa thành".

“Nhưng ít nhất nó không bị chôn vùi”, ông viết. “Các nước cần nhận ra rằng mô hình phát triển bằng cách đốt và thải khí carbon là bản án tử hình đối với nền kinh tế của chính họ và hành tinh này”.

Ông Biden thất vọng vì Nga, Trung Quốc ‘vắng mặt’ tại thượng đỉnh G20

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự thất vọng trước việc Trung Quốc và Nga “về cơ bản đã vắng mặt trong bất cứ cam kết nào để giải quyết biến đổi khí hậu” tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Ông Biden tuyên bố kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ - EU

Khi gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ tin tưởng vào "kỷ nguyên mới" trong quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

Minh An

Bạn có thể quan tâm