Cuối cùng, sau nhiều ngày mong đợi, ông Mugabe chính thức xuất hiện trên truyền hình vào ngày 19/11 và đọc bài phát biểu được chuẩn bị sẵn từ trước.
Sau 30 phút, hàng chục nghìn người lại tiếp tục đổ ra đường biểu tình. Họ thất vọng, đau khổ, sợ hãi và lo lắng. Tổng thống của họ không từ chức, sau 37 năm cầm quyền với hàng loạt bê bối chính trị.
Bài phát biểu của ông Mugabe trong ngày 19/11 khiến nhiều người thất vọng. Ảnh: Getty. |
"Chúng ra không thể để sự cay đắng và thù hằn dẫn lối, chúng chỉ khiến chúng ta tồi tệ hơn", nhà lãnh đạo 93 tuổi nói. Ông đồng thời khẳng định sẽ chủ trì đại hội đảng cầm quyền diễn ra trong tháng tới.
Theo Guardian, tổng thống Zimbabwe liên tục nhắc tới di sản của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước vào những năm 70, khi ông được tôn vinh như một anh hùng dân tộc. Ông cũng không quên nhắn nhủ người dân đoàn kết vì lòng yêu nước và sự ổn định quốc gia.
Zimbabwe không ổn định trong nhiều năm qua, và sẽ còn như vậy sau bài phát biểu gây tranh cãi của ông Mugabe.
Ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống bị sa thải 13 ngày trước, đã được chỉ định là lãnh đạo lâm thời của đảng cầm quyền. Ông đồng thời là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế tổng thống, thay thế ông Mugabe.
Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Mugabe trong ngày 19/11 khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu khi nào ông Mnangagwa có thể trở thành tổng thống, hoặc đơn giản là phó tổng thống như ông từng làm trước đó.
Các nhà quan sát cho rằng ông Mugabe có thể đang cố tình buộc quân đội Zimbabwe phải sử dụng bạo lực để lật đổ ông. Hệ quả của điều này là sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Nền kinh tế Zimbabwe gặp khủng hoảng trong nhiều năm qua. Ảnh: Washington Times. |
Các nước trong khu vực đã lo lắng về tình hình Zimbabwe trong nhiều ngày qua, khi chưa có bất cứ dấu hiệu nào của bạo lực. Công đồng Phát triển Nam Phi (SADC), đứng đầu là Nam Phi, sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Angola để thảo luận về tình hình của Harare.
Tuần trước, SADC đã kêu gọi "giải pháp hợp hiến" cho cuộc khủng hoảng Zimbabwe, có nghĩa là cho phép ông Mugabe tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng thống cho tới hết nhiệm kỳ.
Một số nguồn tin từ quân đội Zimbabwe cho biết nhà lãnh đạo 93 tuổi muốn được nắm quyền cho tới khi cuộc bầu cử diễn ra vào mùa hè năm 2018. Quân đội dường như đã tỏ ra không hài lòng với điều này.
Khi ông Mugabe phát biểu hôm 19/11, một loạt tướng lĩnh quân đội ngồi cạnh. Constantino Chiwenga, vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính, còn giúp tổng thống chuyển trang trong lúc đọc bài phát biểu.
Nhiều người cho rằng ông Mugabe đã cố tình đọc sai lệch nội dung bài phát biểu được viết sẵn hoặc bỏ qua một phần nào đó nhằm gạt chuyện từ chức sang một bên.
Trước đó vài giờ, các thành viên của đảng Zanu-PF đã vỡ òa khi ông chính thức bị tước bỏ chức vụ lãnh đạo đảng. Đệ nhất phu nhân Grace cùng nhóm thân tín cũng bị khai trừ.
Hàng loạt bộ trưởng dưới thời Mugabe vẫn đang bị giam giữ. Trong khi đó, quân đội Zimbabwe vẫn tiếp tục tìm cách gây ảnh hưởng tới công cuộc chuyển giao quyền lực, thứ vẫn còn khá mơ hồ ở thời điểm hiện tại.
Các chuyên gia lo ngại về việc quân đội có thể lợi dụng chuyện này để tạo tiền lệ can thiệp vào bầu cử hoặc công việc của đất nước sau này.
Hồi tháng 2/2017, ông Mugabe tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 93 và nói rằng ông muốn giữ thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa trên cương vị tổng thống sau cuộc bầu cử vào năm 2018. Ông nói thêm rằng “chỉ có Chúa biết” điều gì có thể ngăn cản mình.
Tổng thống Zimbabwe đã không lường trước rằng chính quân đội đã từ bỏ lòng trung thành và bày tỏ mong muốn ông từ chức, sau 37 năm cầm quyền và đưa đất nước trải qua hàng loạt khủng hoảng.
Sự hỗn loạn kinh tế và đời sống bấp bênh của người dân đã và đang là những nét nổi bật của xã hội Zimbabwe. Dẫu ông Mugabe có ra đi hay không, đất nước châu Phi này vẫn cần rất nhiều thời gian để ổn định.