Sáng 5/2, trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Hồng Phương, Phó ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết tổng thầu Trung Quốc đang xóa các bức vẽ bậy trên tàu Cát Linh - Hà Đông.
Việc tẩy xóa, sơn lại các toa tàu do tổng thầu Trung Quốc chịu toàn bộ chi phí do sự cố xảy ra khi dự án chưa hoàn thành và bàn giao. Tổng thầu phải có trách nhiệm khôi phục lại nguyên trạng màu sơn của tàu đường sắt.
"Sau khi tẩy, sơn xong, tổng thầu phải báo cáo Ban và Bộ GTVT. Lúc đó, Ban sẽ kiểm tra lại", ông Phương cho hay.
Các toa tàu nằm trên tầng 3 ga Cát Linh bị vẽ trộm. Ảnh: Trần Anh. |
Phó ban quản lý dự án đường sắt cho hay sau khi sự cố xảy ra, Ban đã yêu cầu tổng thầu tăng cường an ninh tại các ga. Bên cạnh đó, Ban cũng có văn bản gửi Công an Hà Nội, công an các quận có dự án chạy qua hỗ trợ.
Cùng ngày, đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng công an quận Đống Đa cho biết công an vẫn tiếp tục điều tra, xác minh người vẽ bậy lên tàu.
“Đến nay chúng tôi vẫn vẫn chưa có thông tin gì về người vẽ bậy”, đại tá Phương nói.
Người lạ đột nhập vào ga Cát Linh vẽ bậy lên các toa tàu. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sáng 26/12, công nhân công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông phát hiện các toa tàu nằm trong nhà ga Cát Linh bị sơn, vẽ bậy chằng chịt lên phần thân và đầu.
Theo ghi nhận tại hiện trường, mặt phải của đoàn tàu có nhiều vết vẽ bằng sơn, phía mặt trước của đoàn tàu cũng có nhiều nét vẽ. Đoàn tàu bị người lạ vẽ bẩn mang số hiệu HN01104.
Đại diện Ban quản lý dự án làm việc tại hiện trường cho biết vụ việc xảy ra trong đêm 25/12.
Nhận được báo cáo, Bộ GTVT đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổng thầu vì để xảy ra sự cố trên. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định tàu Cát Linh - Hà Đông là tài sản quốc gia. Việc đột nhập vào công trường là hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý đường sắt làm rõ trách nhiệm của tổng thầu EPC.
Ga Cát Linh (chấm đỏ), nơi các toa tàu đường sắt đô thị bị vẽ bậy. Ảnh: Google Maps. |
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án chính thức khởi công năm 2011, tổng số vốn lên đến hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Mới đây, Ban quản lý Đường sắt cho biết dự kiến tàu sẽ được chạy thử vào 2/9 và tiến hành khai thác thương mại vào cuối năm 2018.