Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trả nợ Trung Quốc 650 tỷ mỗi năm

Mỗi năm Việt Nam phải trả cả nợ gốc, lãi cho khoản vay bổ sung 250 triệu USD từ Trung Quốc 650 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) về việc trả nợ và phí cam kết cho khoản vay tín dụng 250 triệu USD của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, trong tháng 1, Bộ Tài chính sẽ trả nợ cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) hơn 2,9 triệu USD (tương đương gần 69 tỷ đồng).

Việc trả nợ các khoản vay cho gói tín dụng ưu đãi 250 triệu USD có thời gian 9 năm (từ 1/2016 đến năm 2025). Kỳ hạn trả nợ được chia thành 2 lần mỗi năm.

Duong sat Cat Linh - Ha Dong anh 1
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để chạy thử vào tháng 9 năm nay. Ảnh: Lê Hiếu.

Đến nay, Việt Nam đã trả nợ được 2 năm với số tiền khoảng 26 triệu USD.

Như vậy, trung bình 1 năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Ban quản lý Đường sắt (Bộ GTVT), tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành hơn 95% công việc, dự kiến chạy thử toàn tuyến vào 2/9 và khai thác thương mại vào cuối năm nay.

Duong sat Cat Linh - Ha Dong anh 2
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 13 ga chạy trên cao. Đồ họa: Hữu Nhân.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 và dự kiến đến tháng 11/2013 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết nối với phương tiện công cộng nào? Sau khi hoàn thành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kết nối với BRT, metro, buýt thường và các tuyến xe khách liên tỉnh.


Văn Chương

Bạn có thể quan tâm