Mức đánh giá tín dụng cơ bản được nâng cấp lên B3 nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng đạt 62% năm 2016 và 146% năm 2015. Chỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản của VPBank vượt trội so với các ngân hàng trong nước, đạt mức 1,7% vào năm 2016 và 1,2% vào năm 2015.
Tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) trên tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (RWA) cải thiện lên mức 8,5% vào cuối năm 2016 (cuối năm 2015 là 7,8%). Đây là kết quả của việc lợi nhuận giữ lại cao hơn trong năm 2016. Cùng với đó là mức tăng trưởng cho vay bình quân giảm xuống còn 24% so với 47% trong giai đoạn 2013-2015.
Moody’s đánh giá VPBank đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thu hồi nợ, giảm trái phiếu VAMC, cải thiện chất lượng khoản vay và kiểm soát rủi ro của các khoản nợ có vấn đề.
Tổng tài sản hợp nhất của VPBank đã tăng lên gần 230.000 tỷ đồng. |
Trong báo cáo tài chính quý I, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đã tăng lên gần 230.000 tỷ đồng. Riêng chỉ số huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức 186.000 tỷ đồng, tăng 14.000 tỷ đồng so với tháng 12/2016.
Song song đó, chỉ tiêu dư nợ cấp tín dụng cũng có mức tăng trưởng tương đối tốt, cho vay khách hàng đạt 152.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2016. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong 3 tháng đầu năm tăng hơn 85% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 670 tỷ đồng so với thời điểm tháng 3/2016 - hơn 1.520 tỷ đồng.
Nhờ cải thiện liên tục chất lượng và quy mô tổng tài sản, nâng cao năng suất bán hàng, tối ưu hóa hệ thống quản trị rủi ro nên hoạt động tài chính 3 tháng đầu năm của VPBank đạt kết quả khả quan. Thu nhập hoạt động thuần đạt 5.406 tỷ, tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Các chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu năm nay cũng được phê duyệt: tổng tài sản dự kiến đạt 280.000 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 217.000 tỷ đồng. Mục tiêu cho vay khách hàng đạt 182.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kìm hãm dưới mức 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng.