Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng giám đốc VPF: ‘Các giải đấu sẽ chuyên nghiệp hơn’

Tân Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cam kết các giải đấu chuyên nghiệp năm 2016 sẽ diễn ra hấp dẫn, sòng phẳng, cạnh tranh cao đồng thời các trận đấu sẽ ít điều tiếng hơn.

- Đảm nhận chức Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đâu là những khó khăn và thuận lợi mà ông sẽ trải qua?

- Khó khăn lớn nhất của tôi là kinh nghiệm khi phải điều hành nhiều giải đấu từ V.League, Cup quốc gia cho đến giải hạng Nhất, khối lượng công việc rất lớn và nặng nề. Trước giờ tôi chỉ quen làm ở CLB chứ chưa trải qua việc quản lý ở những giải đấu quy mô như thế.

Nhưng bù lại, chính từ việc làm lâu ở CLB, từ vị trí của một nhân viên cho đến lãnh đạo nên tôi hiểu những nỗi khổ của các đội bóng, những cái họ thiếu và họ cần. Đồng thời tôi cũng biết những thuận lợi và khó khăn đối với các CLB. Từ đó, tôi có thể rút ra cho mình những bài học, đề xuất khắc phục những điểm chưa phù hợp để vận hành giải đấu tốt hơn.

Thuận lợi thứ hai là việc Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang rất quyết tâm xây dựng hình ảnh giải đấu, đặc biệt là những thành viên đã thành danh ở nhiều lĩnh vực không chỉ bóng đá như anh Nguyễn Hồng Thanh, Võ Quốc Thắng, Nguyễn Công Khế, Phạm Ngọc Viễn… Đó là lợi thế mà tôi tin rằng những giải đấu trong năm 2016 sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ tốt cho người hâm mộ và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Ông Cao Văn Chóng từng có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý ở đội bóng giàu thành tích nhất V
Ông Cao Văn Chóng từng có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý ở đội bóng giàu thành tích nhất V.League B.Bình Dương. Ảnh: Facebook nhân vật

‘Tân TGĐ Cao Văn Chóng sẽ bị cách chức nếu làm không đạt'

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF Võ Quốc Thắng khẳng định niềm tin vào năng lực của tân Tổng giám đốc Cao Văn Chóng nhưng cũng sẵn sàng bãi nhiệm nếu làm việc không hiệu quả.

- Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn như thế, ông sẽ thay đổi cụ thể những mặt nào để xây dựng giải đấu thành công?

- Nếu nói về thay đổi, trước mắt tôi sẽ kế thừa những gì mà anh Viễn (cựu Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn – PV) và các anh em VPF đã để lại. Song song với đó, tôi sẽ có những rà soát với các phòng ban để tìm hiểu về việc tổ chức thi đấu, tài chính, tài trợ… để điều chỉnh, đồng thời những việc nào nằm trong thẩm quyền sẽ đề xuất lên Hội đồng quản trị (HĐQT) xem xét thay đổi.

Để điều hành tốt các giải đấu, theo tôi một mình VPF không thể gánh được mà các thành tố tham gia là các CLB phải hợp tác với VPF và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết tâm xây dựng hình ảnh giải đấu, từng bước lấy lại niềm tin của người hâm mộ. Điều quan trọng nhất là tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp, công bằng, fair-play để các CLB thoải mái tham gia cuộc chơi, hạn chế những vụ lùm xùm thời gian qua.

- Trước khi ông đảm nhận chức Tổng giám đốc VPF, đội hạng Nhất Cà Mau đã xin rút không tham dự giải do thiếu kinh phí. Tình trạng các đội bỏ giải là vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Ông có biện pháp gì để hạn chế và từng bước loại bỏ việc này?

- Vụ việc của CLB Cà Mau thuộc thẩm quyền của VFF bởi họ lên hạng Nhất thông qua giải hạng Nhì. Theo tôi được biết, hiện nay VFF đang giữ đơn xin thế chỗ Cà Mau của đội Bình Định. Vụ việc của Cà Mau không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của VPF nên tôi không trả lời cụ thể thêm còn về việc hạn chế tình trạng các đội bỏ giải giữa chừng do vấn đề tài chính, tôi nghĩ mọi thứ phải khắc phục dần dần.

Làm bóng đá chuyên nghiệp phải làm theo các tiêu chí mà LĐBĐ châu Á (AFC) đã đặt ra từ nhân sự, pháp lý, tài chính, marketing, đào tạo trẻ… Các CLB Việt Nam cần bám theo những điều đó, nếu không đạt được 10 phần thì cũng được 5-6 phần. Chỉ khi đáp ứng những tiêu chí này, các CLB Việt Nam mới từng bước tự nâng tầm mình lên. Đó gần như là kim chỉ nam vậy.

Tôi thấy đa số các đội bóng tại Việt Nam đều bị áp lực chuyên môn, thành tích nên nhìn vào mọi người gần như chỉ biết HLV, cầu thủ xa hơn một chút là giám đốc điều hành. Nhưng để một đội bóng vận động trơn tru cần có một bộ máy hoàn chỉnh, mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình, người lo chuyên môn, người lo kiếm tiền… Chi khi nào các đội làm tốt về vấn đề nhân sự, tổ chức chúng ta mới hy vọng tình trạng các đội hết tiền, bỏ giải dần dần chấm dứt.

Ông Chóng hy vọng những trận đấu nhiều điều tiếng ở V.League 2015 sẽ không tái diễn ở mùa bóng mới. Ảnh: Tùng Lê

- Trong thành phần HĐQT VPF vẫn có gần một nửa thành viên là người của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Dư luận cho rằng, VPF chẳng khác gì cánh tay nối dài của VFF?

- Các liên đoàn có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bóng đá của các quốc gia, châu lục. Bóng đá Việt Nam có những đặc thù riêng nhưng điều đó cũng không ngoại lệ. VPF là công ty điều hành giải đấu nhưng có nhiều yếu tố mang tính chuyên môn, cần sự chung tay, hỗ trợ của LĐBĐ Việt Nam. Điều quan trọng nhất là hai bên phải phối hợp ăn ý, khoa học không để công việc chồng chéo lên nhau. Tôi nghĩ không thể bỏ qua vai trò của VFF bởi một mình VPF không đủ sức để làm.

- Ở hội nghị tổng kết sau mùa giải 2015, chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã chỉ trích gay gắt một Phó Tổng giám đốc VPF nhận lương 600 – 700 triệu đồng/năm nhưng 4 năm không về một xu. Làm thế nào để VPF tạo niềm tin từ các cổ đông?

- Tôi nghĩ nếu bản thân VPF làm hiệu quả mọi người sẽ ủng hộ, không còn những chỉ trích gay gắt như thời gian qua. Về ý kiến của anh Hùng, tôi cho rằng một cá nhân không thể tự mình vận động được tài trợ mà phải có bộ máy, đặc biệt những vấn đề trọng đại của giải đấu phải thông qua HĐQT. Vấn đề liên quan đến anh Hòa (Phó Tổng giám đốc Phạm Phú Hòa – PV), chủ tịch Võ Quốc Thắng đã trả lời rồi. Không nên phủ nhận hết công lao của một cá nhân, ở góc độ tìm tài trợ, vai trò của công ty là rất lớn.

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm