Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng giám đốc VAMC: 'Có thể xử lý 40.000-70.000 tỷ nợ xấu'

Nhậm chức Tổng giám đốc VAMC trong tâm thế phấn chấn, ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết, với bề dày kinh nghiệm của nhân sự, nhiệm vụ xử lý 40.000-70.000 tỷ nợ xấu sẽ hoàn thành.

Tổng giám đốc VAMC: 'Có thể xử lý 40.000-70.000 tỷ nợ xấu'

Nhậm chức Tổng giám đốc VAMC trong tâm thế phấn chấn, ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết, với bề dày kinh nghiệm của nhân sự, nhiệm vụ xử lý 40.000-70.000 tỷ nợ xấu sẽ hoàn thành.

Tại lễ ra mắt công ty quản lý tài sản (VAMC) diễn ra sáng nay ở Hà Nội, nhiều thông điệp về hoạt động của VAMC được đưa ra. Trong đó, VAMC không phải chiếc đũa hay cây gậy thần là thông điệp rõ ràng nhất.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, VAMC ra đời là một công cụ góp phần với nhiều công cụ khác để xử lý nợ xấu. Ông Bình kỳ vọng VAMC sẽ có lộ trình cụ thể để trong giai đoạn nhất định có thể phát huy tác dụng, giải quyết đáng kể nợ xấu. “Phấn đấu đến năm 2015, đưa nợ xấu xuống mức kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật”, người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ và nói thêm, VAMC cần có bước đi thận trọng, khôn khéo và phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

 Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cho biết, với kinh nghiệm của nhân sự trong công ty này, số nợ xấu 40.000-70.000 tỷ cần xử lý hoàn toàn có thể thực hiện được. Ảnh: L.A.

Ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng giám đốc VAMC cho biết, từ nay đến cuối năm 2013, VAMC hoàn toàn có khả năng xử lý 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. CEO VAMC cho rằng, khi thành lập và đi vào hoạt động công ty mua bán nợ, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng các cơ chế hoạt động, mặt khác, nhân sự của VAMC cũng là những người có kinh nghiệm trong xử lý nợ, nên chỉ tiêu trên có thể hoàn thành.

Tổng giám đốc điều hành VAMC cũng tiết lộ, phương án kiểm soát các ngân hàng có nợ xấu cao phải bán cho đơn vị này sẽ được thực hiện theo hướng đồng thuận, thay vì ép buộc. “Tôi cho rằng, xử lý nợ xấu ngoài là một nhiệm vụ lớn của nền kinh tế thì cũng giúp cho các ngân hàng nhẹ gánh mà phục vụ doanh nghiệp, nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng nên cân nhắc và đồng thuận với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước”, ông Thủy chia sẻ và cho rằng, không chỉ những nơi có nợ xấu cao, mà ngay cả những đơn vị nợ dưới 3% nếu thấy điều kiện có lợi vẫn có thể thảo luận với VAMC về vấn đề nợ.

Riêng việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, ông Thủy cho biết, sẽ thẩm định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, nếu có cơ hội phục hồi sẽ có giải pháp để hỗ trợ. Tổng giám đốc VAMC liên tục khẳng định kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự tổ chức này.

Ngoài Phó thống đốc Đặng Thanh Bình đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, bà Lê Thị Mai Hương - Trưởng phòng xây dựng chương trình và thẩm định báo cáo kiểm toán thuộc Vụ Kiếm toán nội bộ (Ngân hàng Nhà nước) giữ chức trưởng ban kiểm soát VAMC. Ông Nguyễn Hữu Thủy - thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc VAMC cũng là Vụ phó vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Một số lãnh đạo đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như BIDV, Agribank và các ngân hàng cổ phần gồm LienVietPostBank, SHB cũng được trao quyết định vào ban điều hành của VAMC trong sáng nay. Ông Lê Quang Châu - Giám đốc ban quản lý tín dụng BIDV, ông Đoàn Văn Thắng - Phó tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Bùi Tín Nghị - Phó tổng giám đốc SHB giữ chức Phó tổng giám đốc VAMC.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm