Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tổng giám đốc Mitsui Việt Nam chia sẻ bài học đầu tư vào Việt Nam

Tổng giám đốc Narukama Hiromitsu cho rằng điều quan trọng nhất khi đầu tư vào một quốc gia là phải phân tích được các loại rủi ro, biết cách giảm thiểu và xử lý các rủi ro.

dau tu ra nuoc ngoai anh 1

Mitsui là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Từ hàng chục năm trước, khi Việt Nam mới mở cửa, Mitsui đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, bán lẻ, thực phẩm... Đây được coi là một trong những tập đoàn tiên phong của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Zing đã có cuộc phỏng vấn ông Narukama Hiromitsu, Tổng giám đốc Mitsui Việt Nam, về kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, phát triển ở một thị trường hoàn toàn mới. Hiện tại, sau 30 năm đổi mới, song song với việc thu hút FDI, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Ông Narukama Hiromitsu nhấn mạnh quan điểm phân tích, đánh giá rủi ro khi đầu tư, nhưng phải chấp nhận một cách an toàn và hiệu quả.

Làm rõ các yếu tố rủi ro

- Hiện tại, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và việc đầu tư ra nước ngoài sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, việc đầu tư ra nước ngoài có khác gì với một quốc gia phát triển như Nhật Bản?

- Đúng là mỗi nước chúng ta có một đặc điểm về chính trị, kinh tế, xã hội xã nhau, nhưng theo tôi không có sự khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài. Việc quan trọng là cần xác định rõ việc đầu tư ra nước ngoài để làm gì, điều đó mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp mình và quốc gia mình.

Khi đầu tư tại bất kỳ quốc gia nào, bất kể là đối với Nhật Bản hay Việt Nam, việc đầu tiên khi quyết định đầu tư là phải cân nhắc khả năng tài chính, môi trường chính trị. Nói rộng ra là cần làm rõ các yếu tố rủi ro thì mới đi đến quyết định đầu tư chính xác.

Đó là, đánh giá, phát hiện được các loại rủi ro và phân tán cái rủi ro, kiểm soát, quản lý, chia xẻ và tránh được rủi ro. Từ đó, có những quyết định cần thiết để chấp nhận những rủi ro đó một cách an toàn nhất trong từng đầu tư cụ thể.

dau tu ra nuoc ngoai anh 2

Một nhà máy của Mitsui tại châu Á. Ảnh: Mitsui Co.

Việc làm thế nào chấp nhận rủi ro phụ thuộc vào từng nước và từng công ty. Mỗi công ty có cách tiếp cận rủi ro khác nhau. Ví dụ có những dự án Mitsui chấp nhận rủi ro, nhưng cũng có những dự án Mitsui không chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là phải có cách hiểu được các loại rủi ro và kiểm soát các rủi ro sao cho hiệu quả nhất.

Để giảm thiểu rủi ro tối đa có một số cách như công ty mua bảo hiểm rủi ro cho việc đầu tư. Ngoài ra, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Chính phủ nước sở tại. Ví dụ như Chính phủ cung cấp ưu đãi thuế, bảo lãnh Chính phủ. Yếu tố quan trọng nữa là con người. Khi quyết định đầu tư vào một dự án nào đó, thì cần sử dụng đúng người tốt để quản lý dự án.

Chúng tôi không đầu tư tài chính, không bỏ tiền vào mà không làm gì hết. Chúng tôi luôn bồi dưỡng các nhân sự tốt để giúp nâng cao giá trị của dự án lên. Đầu tư và nâng cao giá trị đồng vốn bằng giá trị nguồn nhân lực là thế mạnh của Mitsui. Chúng tôi luôn đầu tư ra nước ngoài như vậy.

Đối tác sở hữu công nghệ lõi

- Nhiều quốc gia phát triển sở hữu những công nghệ lõi quan trọng, giúp họ dễ dàng đầu tư ra nước ngoài. Tuy vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam còn chưa sở hữu nhiều công nghệ lõi, điều này có là rào cản khi đầu tư ra nước ngoài?

- Mitsui không có công nghệ lõi như phần mềm, thiết bị công nghệ cao hay công nghệ cụ thể ở riêng một lĩnh vực nào. Tuy vậy, chúng tôi có thế mạnh là mạng lưới Mitsui toàn cầu và đang hiện diện ở 63 quốc gia trên thế giới.

Về tài chính, chúng tôi cũng rất mạnh, đối tác của chúng tôi đến từ các thể chế tài chính và ngân hàng tư nhân Nhật Bản, luôn có những ưu đãi tín dụng. Đội ngũ nhân viên của chúng tôi cũng đa dạng và cạnh tranh trên toàn cầu.

Một điểm đặc biệt là chúng tôi luôn có những đối tác công nghệ hàng đầu song hành trong các dự án đầu tư. Họ là những đối tác sở hữu những công nghệ lõi. Khi đầu tư vào lĩnh vực nào chúng tôi cũng có những đối tác cụ thể, đối tác mạnh trong từng lĩnh vực. Ví dụ Mainstream – Ireland đang cùng chúng tôi thực hiện các dự án năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.

dau tu ra nuoc ngoai anh 3

Ông Narukama Hiromitsu, Tổng giám đốc Mitsui Việt Nam và TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Hiếu Công.

- Mua bán và sáp nhập (M&A) được rất nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc... thực hiện khi đầu tư vào một quốc gia khác. Theo ông M&A có phải là một chiến lược tốt khi đầu tư ra nước ngoài?

- M&A sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đầu tư ban đầu. Mitsui thường đầu tư 20-30% cổ phần vào các doanh nghiệp triển vọng. Tuy nhiên, hình thức này có điểm yếu là chi phí đầu tư khá cao. Một doanh nghiệp khi đã đến vòng tiềm năng để gọi vốn thì họ đã ở một trình độ phát triển nhất định, kéo theo mức đầu tư cao hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là chấp nhận trả giá cao hơn để gia nhập một lĩnh vực nào đó. Điển hình như Mitsui đã đầu tư vào Công ty thủy sản Minh Phú với một số tiền lớn, bởi họ là một doanh nghiệp thủy sản hàng đầu.

Nhưng cũng có dự án mà chúng tôi chấp nhận đầu tư rủi ro và mất thời gian. Dự án khí lô B, Mitsui đã đầu tư cách đây 27 năm và hiện giờ chúng tôi vẫn đang theo đuổi. Không phải tập đoàn nào cũng có khả năng theo đuổi dự án như thế này bởi nó đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia, nhân lực và tiềm lực tài chính.

Chuẩn bị nguồn lực cho sự cạnh tranh

- Vậy làm thế nào để kiểm soát rủi ro về tài chính khi đầu tư vào một công ty địa phương?

- Mitsui luôn cùng làm việc và cùng nghiên cứu với các đối tác địa phương từ lúc có ý định đầu tư đến lúc đã đầu tư. Sau khi đầu tư, chúng tôi chọn những nhân sự tài năng trong lĩnh vực đó, môi trường đó, tham gia vận hành công ty. Qua đó giúp nâng giá trị dự án mà Mitsui đang đầu tư.

- Khi đầu tư ra nước ngoài thì việc cạnh tranh với rất nhiều công ty đa quốc gia, đến từ nhiều nước là một trong những điều khó nhất. Mitsui đã vượt qua sự cạnh tranh đó như thế nào? Việc hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đóng vai trò quan trọng ra sao với một công ty đầu tư ra nước ngoài?

- Trong môi trường nào, lĩnh vực nào cũng có sự cạnh tranh. Chúng tôi luôn nhận biết vấn đề cạnh tranh, chuẩn bị mọi nguồn lực, đối mặt và phát triển cùng sự cạnh tranh đó. Sự cạnh tranh làm chúng tôi phải luôn luôn phát triển và nâng cao chất lượng đầu tư.

Chính phủ Nhật đã hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều khi họ có ý định và kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Tất nhiên, các doanh nghiệp phải chứng minh được giá trị của khoản đầu tư.

Chính phủ đã hỗ trợ chúng tôi bằng các hình thức trao đổi, đối thoại với Chính phủ nước sở tại, vận động Chính phủ nước sở tại đưa ra các ưu đãi cho doanh nghiệp.

Các dự án của Mitsui ở Việt Nam thì được Đại sứ quán Nhật Bản rất quan tâm và hỗ trợ. Đại sứ quán là cầu nối của chúng tôi với Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam. Ví dụ dự án khí lô B cũng được Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm và hỗ trợ vì đó cũng là dự án trọng điểm của Việt Nam.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm