Theo Tổng cục Thuế, trong những năm vừa qua, cơ quan này đã đẩy mạnh hoạt động rà soát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Trong quá trình xác minh xử lý, đến nay, cơ quan quản lý thuế đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm điển hình trong hoạt động mua bán hóa đơn như vụ Công ty TNHH Junma Phú Thọ liên quan đường dây mua bán trái phép hóa đơn gần 2.000 tỷ đồng; 4 công ty tại Hà Nội gồm Công ty TNHH XNK EUROPA, Công ty TNHH TM & XNK An Khánh, Công ty TNHH XNK & TM Dịch vụ Minh Hải, Công ty TNHH XNK & TM Gia Bảo; hay vụ việc 15 công ty thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại xăng dầu Phát-Petraco tại Hải Phòng) cầm đầu.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cho biết đang phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý một số trường hợp điển hình khác tại các địa phương trọng điểm như TP.HCM, Vĩnh Phúc, An Giang, khu vực Tây Nguyên…
Một trong những biện pháp được cơ quan thuế áp dụng để xử lý rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp là nhận dạng và giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong hoạt động này. Đồng thời cơ quan này nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Lâu đài của đại gia xăng dầu Hải Phòng Ngô Văn Phát - người cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng quy mô lớn đã bị bắt. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tổng cục Thuế cũng tăng cường thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế và thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan quản lý Nhà nước khác như Cơ quan giám sát Ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước...
Cùng với các biện pháp này, cơ quan thuế thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước.
Tăng cường rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng Internet, mạng xã hội như Facebook, email, điện thoại… xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp tại các địa phương. Qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ.
Tổng cục Thuế cũng tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại mà cá nhân, tổ chức nộp thuế giao dịch để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thanh toán thực tế qua ngân hàng với các trường hợp khả nghi. Từ đó làm cơ sở để xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế cho biết đã phối hợp với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối.
Trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm, riêng năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.