Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. |
'Có lòng tin là đi được nửa đường'
Nhiều học giả Mỹ đã đặt câu hỏi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC ngày 8/7.
- Đại hội lần thứ 12 sẽ diễn ra vào năm tới của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tập trung thảo luận những nội dung gì?
- Đại hội Đảng là một trong những hoạt động chính trị quan trọng nhất của đất nước. Tổ chức 5 năm một lần, mỗi đại hội đều là một mốc lịch sử trong sự phát triển của đất nước.
Hai nội dung chính của Đại hội 12 sẽ là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 11, thực hiện Hiến pháp 2013, đưa ra phương hướng phát triển cho 5 năm tới và bầu ban lãnh đạo mới.
Chiến lược trọng tâm, lâu dài của Việt Nam vẫn sẽ là phát triển kinh tế và hội nhập, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách thể chế. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia cũng vẫn là những mối quan tâm chiến lược, đặc biệt là tình hình Biển Đông.
Việt Nam sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, cùng lúc đó, duy trì tinh thần dân chủ hóa trong xã hội và chính trị.
Muốn Mỹ mở cửa cho hàng hóa Việt Nam
- Cần làm gì trong thời gian tới để quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước được tăng cường hơn nữa?
- Hợp tác kinh tế giữa hai nước 20 năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn tiềm năng rất lớn, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Ưu tiên trước mắt là hoàn thành đàm phán và ký kết TPP, thực hiện các yêu cầu của thỏa thuận thương mại. Mỹ cần công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời dỡ bỏ các rào cản thương mại để hàng hóa Việt Nam vào được Mỹ.
Việt Nam cũng muốn Mỹ giúp tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực còn đang hạn chế, đầu tư vào những ngành có giá trị tri thức cao. Việt Nam sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư Mỹ.
- Vậy trong hợp tác quân sự, quốc phòng, Việt Nam có nhu cầu gì về trang thiết bị từ Mỹ?
- Nhu cầu thì Việt Nam cần rất nhiều. Mỹ có thể giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển, hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam có 3.000 km bờ biển, chúng tôi cần rất nhiều trang thiết bị hàng hải để bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ.
Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký, hai bên cần bàn bạc chi tiết để thực hiện các hợp tác cụ thể, ví dụ khai thác dầu khí, cung cấp tàu thuyền, nghiên cứu môi trường biển, thu thập dữ liệu...
Tăng cường đối thoại nhân quyền
- Tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận ở Việt Nam trong tương lai tới đây sẽ như thế nào thưa Tổng Bí thư?
- Tôi biết nhân quyền là vấn đề Mỹ rất quan tâm, đây cũng là vấn đề Việt Nam rất coi trọng. Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nếu các bạn đến Việt Nam sẽ thấy quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nghèo, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, được quan tâm.
Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần được luật hóa.
Nhưng cũng cần thấy rằng quyền của cá nhân phải đặt trong bối cảnh quyền lợi chung của cộng đồng, mỗi người có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền của người khác và của cộng đồng.
Tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải quản lý đất nước bằng luật pháp. Các vụ việc người bị bắt ở Việt Nam không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là họ vi phạm pháp luật.
Tối qua tôi cũng đã trao đổi rất thẳng thắn với các lãnh đạo tôn giáo Mỹ về vấn đề này. Họ phản ánh xin giấy phép hoạt động rất lâu không được hồi đáp, theo tôi chủ yếu là do thủ tục hành chính quá chậm chạp, xảy ra trong mọi lĩnh vực.
Cách hiểu của hai bên vẫn còn khác nhau, nên cách tốt nhất là theo tôi là tăng cường đối thoại. Nhưng chúng ta không nên để các vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ hai nước.