Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Tổng bí thư gợi mở nhiều vấn đề về chuẩn bị nhân sự chủ chốt khóa XIII

Trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, Tổng bí thư lưu ý người được lựa chọn phải đặt sự nghiệp của Đảng, dân tộc lên trên hết, kiên quyết chống lợi ích nhóm.

Hội nghị Trung ương 12 khai mạc sáng 11/5 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng cùng một số vấn đề quan trọng khác được bàn, quyết định tại hội nghị quan trọng này.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định.

Chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ mới

Theo Tổng bí thư, lần này Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.

"Yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Hoi nghi Trung uong 12 anh 1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh người được lựa chọn là nhân sự chủ chốt khóa mới phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực... Ảnh: Đoàn Bắc.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho hay vừa qua, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cấp ủy Đảng và 2 lần báo cáo Bộ Chính trị xem xét trước khi trình Hội nghị Trung ương 12.

Tổng bí thư đề nghị mỗi ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn…

“Phải chăng, về tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?”, Tổng bí thư đặt vấn đề.

Hoi nghi Trung uong 12 anh 2

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: Đoàn Bắc.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết.

Cùng với đó, kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền…

Lựa chọn đúng, bầu người xứng đáng

Về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 12.

Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.

Trong đó, chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội.

Số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu HĐND ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức HĐND phường và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án cũng được Tổng bí thư lưu ý.

Hoi nghi Trung uong 12 anh 3

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: Đoàn Bắc.

Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XIII, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội.

Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.

“Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được người thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư đề nghị các ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến Hội nghị Trung ương 12 khóa XII; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019.

"Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những vấn đề cụ thể nhưng hết sức quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thời gian tới”, Tổng bí thư nói.

Lãnh đạo cấp cao dự Hội nghị Trung ương 12

Hội nghị Trung ương 12 bàn và quyết định phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

'Tham vọng quyền lực', 'cơ hội chính trị' được hiểu thế nào?

"Cái gốc của tham vọng quyền lực và cơ hội chính trị là chủ nghĩa cá nhân, làm cái gì cũng tính xem mình có lợi ích gì trong đó không", ông Nguyễn Đức Hà phân tích.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm