Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ'

"Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Quan điểm trên được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020 diễn ra sáng 12/12.

Tổng bí thư đánh giá từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTN đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Chống tham nhũng chỉ làm chùn bước người nhỡ nhúng chàm

Khẳng định tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

“Không phải như một số ý kiến e ngại rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm chậm sự phát triển đất nước.

Ngược lại, nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nói.

so luong uy vien trung uong,  uy vien Bo Chinh tri bi ky luat anh 1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, nhỡ nhúng chàm. Ảnh: TTXVN.

Theo Tổng bí thư, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", là "phe cánh”, nhất là vào dịp chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

“Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, nhỡ nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, thiếu dũng khí”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tham nhũng vẫn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư nhìn nhận công tác PCTN vẫn còn tồn tại, hạn chế như chưa có sự chuyển biến rõ rệt; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Người đứng đầu Đảng lưu ý, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, theo Tổng bí thư, là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.

so luong uy vien trung uong,  uy vien Bo Chinh tri bi ky luat anh 2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao dự Hội nghị tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Ảnh: TTXVN.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.

Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức…

Chống tham nhũng quyết liệt, không ngừng nghỉ

Nêu những bài học quý từ thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, Tổng bí thư cho rằng công tác PCTN trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

“PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả”, Tổng bí thư nói.

Ông nhấn mạnh người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan. Đặc biệt, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Bài học thứ hai được Tổng bí thư đề cập là PCTN phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ.

Cùng với đó, trong công tác PCTN phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Tổng bí thư cho rằng tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ.

“Tham nhũng thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh PCTN không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn, không được né tránh, cầm chừng, ngừng, nghỉ, thiếu quyết liệt”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước quán triệt.

Bên cạnh đó, việc phòng ngừa phải kết hợp chặt chẽ với công tác chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá.

Trong phát hiện, xử lý phải quán triệt nguyên tắc có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng bí thư lưu ý đất nước đang đứng trước thời khắc rất quan trọng.

Vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả.

“Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất”, Tổng bí thư nói.

so luong uy vien trung uong,  uy vien Bo Chinh tri bi ky luat anh 3

Theo Tổng bí thư, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí. Ảnh: TTXVN.

Người đứng đầu Đảng cho rằng phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Về thể chế, Tổng bí thư nhấn mạnh phải hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Theo đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Đồng thời, các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch phải được hoàn thiện khẩn trương. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trong công tác thanh tra, Tổng bí thư đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt", nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Giải pháp quan trọng khác được Tổng bí thư đề cập là tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

“Cùng với nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hoá”, Tổng bí thư nói.

Đặc biệt, trong kiện toàn tổ chức bộ máy, Tổng bí thư nhấn mạnh phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân hay bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.

Tổng bí thư kỳ vọng công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

“Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân”, Tổng bí thư bày tỏ sự tin tưởng.

Hơn 800 vụ án tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi chỉ đạo 3 cấp độ

Từ đầu năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi chỉ đạo thuộc “3 cấp độ”.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm