Sách Lịch sử chữ Quốc ngữ. Ảnh: THB. |
Buổi giao lưu về lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt diễn ra vào tối 28/2 tại đường sách Nguyễn Văn Bình có đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, độc giả quan tâm đến lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết tham gia.
Vai trò của chữ Quốc ngữ với giáo dục Việt Nam
Nhìn về lịch sử ra đời của chữ Quốc ngữ trong tiến trình lịch sử Việt Nam 400 năm qua, các diễn giả và độc giả có mặt tại chương trình đều khẳng định chữ Quốc ngữ đã mang đến cho xã hội Việt Nam những thay đổi lớn.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng thuật lại chuyến đi châu Âu hai tháng năm 2023, khi ông qua các thành phố quê hương của những người có công với chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, tại thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha, với sự giúp đỡ của tiến sĩ Fatima và một thủ thư, ông đã tìm ra và chạm tay vào di cảo viết tay của Francisco de Pina (một trong những giáo sĩ đầu tiên thành thạo tiếng Việt) từ năm 1623, tức đúng 400 năm trước.
Ông Hùng kể lúc ấy ông "xúc động không kìm được nước mắt", bởi ông hiểu rõ được sự ra đời của chữ Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Nhờ chữ Quốc ngữ mà ngày nay công tác phổ cập giáo dục, dạy-học tiếng Việt và ngoại ngữ, công tác xuất bản... của Việt Nam có được nhiều thuận lợi.
Nhà giáo, nhà phê bình Hoàng Kim Oanh nhận định nhờ chuyển sang chữ Quốc ngữ mà Việt Nam có thể phổ cập chữ viết trên diện rộng, tăng tỉ lệ người biết chữ trong thời gian nhanh chóng.
Theo đó, có người cho rằng chữ Quốc ngữ là "thành quả giao lưu văn hoá Âu Á đẹp nhất trước nay". Dân tộc Việt Nam với truyền thống "thương người như thế thương thân" rất hòa hợp với đạo Thiên Chúa giáo - đạo của tình yêu thương.
Một số độc giả đã bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với những người đã có công khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Đồng thời, độc giả, diễn giả cũng nhắc đến những người đi đầu trong việc đưa chữ Quốc ngữ thành chữ viết phổ cập: Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, các nhà nho yêu nước như Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Phan Văn Ca...
Từ trái qua: nhà nghiên cứu Ngô Tiến Nhân, TS Nguyễn Mạnh Hùng, đạo diễn Xuân Phượng và nhà giáo, nhà phê bình Hoàng Kim Oanh tại buổi giao lưu. Ảnh: BTC. |
Cần thêm tài liệu chính thống về lịch sử chữ Quốc ngữ
Các vị giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha xuất dương lênh đênh trên biển nhiều ngày để cập bến Hội An, mục đích chính là để truyền đạo. Nhưng do hòa nhập với cuộc sống ở miền đất mới, họ đã bỏ công sức học, hiểu tiếng Việt, dẫu cho ngôn ngữ này khác xa với ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, lại thêm phương ngữ rất nhiều vùng.
Francisco de Pina và các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã phát hiện ra thanh điệu đa dạng trong tiếng Việt - điều mới mẻ với họ. Từ đây ông và các học trò của mình đã dày công tạo những tiền đề cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Tuy nhiên, đến nay lịch sử chữ Quốc ngữ vẫn chưa được giảng dạy rộng rãi, chi tiết, chưa có nhiều tài liệu tiếp cận với đông đảo công chúng. Trăn trở của bà Kim Oanh là hiện nay lịch sử ra đời và hình thành của chữ Quốc ngữ trong sách giáo khoa, giáo trình vẫn chưa hoàn bị. Từ đây, bà hy vọng những cập nhật về nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ sẽ sớm thúc đẩy xuất bản các tài liệu chính thống, đầy đủ hơn.
Bên cạnh sách Lịch sử chữ Quốc ngữ (Đỗ Quang Chính), bà giới thiệu chuyên khảo tổng hợp từ Hội thảo Khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ (2019). Theo bà, chuyên khảo này đã đề cập, trình bày chi tiết hành trạng, vị trí, vai trò của Francisco de Pina với sự hình thành chữ Quốc ngữ bên cạnh các công lao vốn được biết đến rộng rãi hơn của Alexandre de Rhodes.
Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh rằng dù Pina là người giỏi tiếng Việt, yêu con dân nước Việt và có đóng góp lớn, thì giáo sĩ Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) - học trò của Pina vẫn là người có công nhất trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Đạo diễn Xuân Phượng - tác giả hồi ký Gánh gánh gồng gồng - kể câu chuyện từng có đề xuất làm phim về lịch sử ra đời và những vị cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Bà hy vọng trong tương lai sẽ có những người làm nghệ thuật trẻ tâm huyết và đầu tư cho đề tài này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.