Khi những người ủng hộ đảng Dân chủ tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ hôm 7/7 đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của cựu Phó tổng thống Joe Biden trong cuộc đua tổng thống, một số khác chết lặng trước màn hình, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Đó là những thành viên thuộc cộng đồng QAnon, nhóm cực hữu tin vào thuyết âm mưu vô căn cứ rằng các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ đang điều hành một giáo phái tôn thờ quỷ Satan chuyên buôn bán trẻ em trên phạm vi toàn cầu với mục đích ấu dâm.
Nhóm QAnon tin rằng Tổng thống Trump là vị cứu tinh của nước Mỹ khi đứng ra chống lại tổ chức tà giáo nói trên.
Tín đồ QAnon trong một sự kiện vận động cử tri của Tổng thống Trump ở Portland, Oregon. Ảnh: AP. |
"Họ không nghĩ ông Trump sẽ thua"
Trong hơn ba năm, thuyết âm mưu và các hoạt động của QAnon được thúc đẩy và phổ biến rộng rãi bởi người dùng Internet có bí danh là Q. Người này thường kêu gọi những người tin tưởng vào thuyết QAnon “hãy tin tưởng vào kế hoạch”.
Do đó, trong một khoảng thời gian dài, cộng đồng QAnon đinh ninh rằng ông Trump sẽ dễ dàng tái đắc cử bằng một chiến thắng cách biệt trước đối thủ Biden để tiếp ngăn chặn giáo phái Satan tà ác.
Cộng đồng QAnon tin chắc Tổng thống Trump sẽ thắng áp đảo ông Biden. Ảnh: Reuters. |
Nhưng cuộc bầu cử năm nay đã không diễn ra theo hướng đó.
Vào ngày 7/11 (giờ Mỹ), một loạt các hãng thông tấn lớn như AP, Fox News và CNN đồng loạt “xướng tên” ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46, khiến cộng đồng QAnon không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
“Biden sẽ không bao giờ trở thành tổng thống”, một tín đồ QAnon viết trên Twitter. Người này không chấp nhận thực tế rằng “người hùng” Donald Trump đã thất cử.
“Ông Trump ý thức được việc mình đang làm. Ông ấy chỉ đang để cho những người Dân chủ và giới truyền thông tự mua dây buộc mình thôi”, một người ủng hộ QAnon khác trấn an.
Khẩu hiệu của cộng đồng QAnon. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một số người thuộc cộng đồng cực hữu này dần nhận ra thực tế khác xa với dự đoán của họ.
“Chúng ta đang thua”, một người viết trên Twitter. “Tôi không hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch nữa, cũng không biết có thật là chúng ta có bất kỳ kế hoạch nào không”.
Kể từ khi nỗ lực tái đắc cử của ông Trump thất bại, người dùng Q. dường như biến mất khỏi 8kun, diễn đàn đóng vai trò nền tảng của cộng đồng QAnon trên Internet.
Sự biến mất đột ngột của Q. làm nhóm QAnon cảm thấy khó chịu, bởi khi không có những bài đăng từ người dùng này, họ thiếu đi chỗ dựa về tinh thần và “nguồn cập nhật thông tin”.
“Họ thực sự cảm thấy sụp đổ và tuyệt vọng dù không thể hiện ra bên ngoài”, Fredrick Brennan, người sáng lập 8chan, tiền thân của diễn đàn 8kun, nhận xét.
“Họ không nghĩ ông Trump sẽ thua, cũng không trông đợi Fox News sẽ công bố kết quả như vậy. Về mặt tâm lý, cộng đồng QAnon đang tổn thương nặng nề”, ông Brennan nói thêm.
"Biến cố quá lớn"
Trong vài tháng trở lại đây, do sự bành trướng và mở rộng sức ảnh hưởng của QAnon, nhiều nền tảng đại chúng như Facebook, Twitter và YouTube đã mạnh tay dỡ bỏ các tài khoản có liên quan đến tổ chức này.
Chiến dịch “đàn áp” nói trên đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của một bộ phận thuộc QAnon.
Những người này kiếm tiền bằng cách bán hàng hóa và sách có liên quan đến nhân vật Q., đồng thời tổ chức các sự kiện họp mặt trực tiếp cho thành viên của diễn đàn.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu tích cực cho thấy QAnon có thể duy trì sức ảnh hưởng của mình trên phương diện truyền thông.
Hai ứng viên hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene và Lauren Boebert - vốn là người ủng hộ thuyết âm mưu của cộng đồng cực hữu nói trên - đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện và sẽ tuyên thệ vào đầu năm 2021.
Nhưng “người hùng” Donald Trump của QAnon thì không. Nguy cơ Nhà Trắng đổi chủ làm nhiều người lo ngại về sự sụp đổ của phong trào này.
Hạ nghị sĩ đắc cử Marjorie Taylor Greene là người ủng hộ thuyết âm mưu của cộng đồng QAnon. Ảnh: Reuters. |
“Cộng đồng QAnon đã quá quen với việc những dự đoán của Q. không trở thành hiện thực”, nhà phân tích William Partin, người đã dành nhiều năm nghiên cứu tổ chức cực hữu nói trên, cho biết.
“Đôi khi họ thất vọng và từ bỏ, nhưng có những người cố gắng sắp xếp lại câu chuyện tổng thể mà họ dựng lên sao cho thật hợp lý và chỉ chấp nhận rút lui khi mọi thứ không thể cứu vãn”, ông Partin nói. “Nhưng sự thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống là một biến cố quá lớn, nhóm người này dường như không thể điều chỉnh được gì”.
Níu kéo trong tuyệt vọng
Như một nỗ lực cuối cùng để níu lấy hy vọng giúp ông Trump lật ngược tình thế và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, nhiều thành viên thuộc QAnon đã tham gia cổ vũ cuộc biểu tình “Stop the Steal” nhằm “ngăn cuộc bầu cử bị đánh cắp” tại các bang tranh chấp trọng yếu.
Một số tín đồ QAnon thì bám víu vào thuyết âm mưu cho rằng phe Dân chủ đã sử dụng một chương trình chạy trên siêu máy tính để thay đổi kết quả kiểm phiếu chung cuộc.
Giám đốc cơ quan an ninh mạng Christopher C. Krebs của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng thuyết âm mưu nói trên là “phi lý”.
Ông Christopher C. Krebs từng công khai chỉ trích thuyết âm mưu của cộng đồng QAnon. Ảnh: C-SPAN. |
Trong khi đó, một bộ phận khác thuộc cộng đồng QAnon lan truyền giả thuyết cho rằng Tổng thống Trump đã chủ động “chơi khăm đảng Dân chủ” bằng cách dàn xếp kịch bản về một cuộc gian lận trong khâu kiểm phiếu thông qua việc đánh dấu mờ đặc biệt trên các lá phiếu để lôi kéo cử tri vốn ủng hộ ông Biden.
Giới quan sát nhất trí rằng cộng đồng QAnon sẽ không sụp đổ hoàn toàn kể cả khi ông Trump thất bại trong việc lật ngược kết quả bầu cử.
“QAnon được xây dựng trên nền tảng các thành viên cùng nhau gắn kết, tin tưởng và lan truyền những câu chuyện ly kỳ mà họ tự nghĩ ra, như một luồng thông tin thay thế cho các phương tiện truyền thông chính thống”, ông Partin phân tích. “Điều đó vẫn sẽ tiếp tục, dù Q. có đăng bài nữa hay không”.