Nói đến đạo quân Thanh sang nước ta cuối năm 1788, hầu như ai cũng biết đến tên tuổi các chỉ huy của chúng, như Tổng đốc Lưỡng Quảng (gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây) Tôn Sĩ Nghị, Đề đốc tỉnh Quảng Tây Hứa Thế Hanh, Đề đốc tỉnh Vân Nam Ô Đại Kinh, Tri châu Điền Châu Sầm Nghi Đống.
Đặc biệt, trong số các viên tướng nhà Thanh tử trận trong cuộc chiến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Sầm Nghi Đống đã được lưu tên tuổi qua ngôi miếu của các Hoa kiều lập ở thành Thăng Long, nhất là qua bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu".
Từ lời thơ này, nhiều người nghĩ Sầm Nghi Đống giữ chức Thái thú. Nếu vậy thì đây là một chức quan rất to, đứng đầu một quận thời phong kiến Trung Quốc. Như thời nhà Hán, cả nước Trung Quốc chỉ chia thành 36 quận. Thời Đông Hán, chính quyền đô hộ cũng chỉ chia vùng đất phía Bắc nước Việt Nam thành các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và phần đất từ Quảng Bình đến Bình Định là quận Nhật Nam. Thái thú là chức quan của Tô Định cai trị quận Giao Chỉ thời nhà Hán đô hộ nước ta và bị Hai Bà Trưng đánh đuổi chạy về Trung Quốc.
Sách Việt - Thanh chiến dịch tiết lộ thân thế Sầm Nghi Đống. |
Sầm Nghi Đống chỉ là Tri châu
Trong cuốn sách Việt Thanh chiến dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, ông trích dịch sách Thanh Cao Tông thực lục, quyển 1345, ghi ngày 30 tháng Chạp năm Càn Long thứ 54 (1789) như sau:
"Trong năm vừa qua, truy cứu những người sang đánh An Nam chết trận có Thổ tri châu Điền Châu là Sầm Nghi Đống, Phó tướng Hình Đôn Hành, Tham tướng Dương Hưng Long, Anh Lâm, Vương Tuyên 3 người... binh lính 4.619 người, theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ".
Như vậy, trong đoạn liệt kê trên, Sầm Nghi Đống được ghi chức vụ chính thức là Thổ tri châu Điền Châu, nhưng được xếp trên cả cấp Phó tướng, tức cấp phó của viên Tổng binh chỉ huy quân đội của một tỉnh.
Nhưng về mặt thực tế, thì cấp bậc của Sầm Nghi Đống lại dưới mấy viên tướng kia nhiều. Theo cơ cấu hành chính của nhà Thanh, dưới tỉnh có phủ, dưới phủ mới đến châu, và ở các châu khu vực miền núi mới có chức thổ tri châu.
Vùng Điền Châu nơi Sầm Nghi Đống cai trị nằm giữa hai phủ Tư Ân và Trấn An, ở phía Tây tỉnh Quảng Tây, gần biên giới Vân Nam. Tác giả Việt Thanh chiến dịch trích sách Thanh sử cảo cho biết, họ Sầm là thổ quan, được cai trị vùng Điền Châu theo chính sách dùng người địa phương cai trị người địa phương để khống chế lẫn nhau. Sách nhà Thanh cũng cho biết, quân của tri châu Điền Châu chỉ có 400 người.
Tuy nhiên, quân Điền Châu, còn gọi là thổ binh, lại rất giỏi chiến đấu. Một tác giả Trung Quốc là Cam Nhữ Lai đã viết: "thổ binh giỏi nghề leo trèo, chạy trên núi như trên đất bằng, coi vách cao như đường phẳng... Thổ binh các châu Tư Minh, Điền Châu, Giang Châu, Thái Bình, An Châu đều dũng kiện mà Điền Châu là hơn cả...".
Có thể lúc được điều động đưa quân gia nhập đạo quân của Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống được giao chỉ huy đạo quân thổ binh của nhiều châu khác. Với chức Tri châu, Sầm Nghi Đống là quan ở hàng ngũ phẩm, nhưng vì tử trận nên được cho hưởng mức tử tuất theo hàng tứ phẩm, con trai là Sầm Dục được cho kế nghiệp chức Tri châu.
Sử sách nước ta viết rằng Sầm Nghi Đống khi bị quân của vua Quang Trung vây thì thắt cổ chết. Tuy nhiên, tài liệu Trung Quốc ghi lại lời các binh sĩ nhà Thanh sống sót chạy về nước kể lại cho biết, khi họ Sầm thấy tình hình nguy cấp, đã cho gia nhân đem ấn tín chạy về trước, bản thân ông ta cưỡi ngựa xông ra khỏi trại, bị quân Tây Sơn chém đứt một cánh tay rồi dùng câu liêm lôi từ trên ngựa xuống đâm chết. Chính từ lời khai này thể hiện việc họ Sầm chiến đấu anh dũng nên ông ta được hưởng tử tuất và con cháu được tập ấm theo quy chế.
Cũng có thể do Sầm Nghi Đống thể hiện gương chiến đấu dũng cảm nhất nên Hoa kiều ở thành Thăng Long mới xây dựng đền thờ ông ta ở khu vực họ sinh sống, sau gọi là ngõ Sầm Công, nay là phố Đào Duy Từ, Hà Nội, để rồi đi vào lời thơ như một lời mỉa mai cay nghiệt của nữ sĩ họ Hồ.
Tôn Sĩ Nghị - kẻ chạy thoát thân khi quân đội Nguyễn Huệ vây thành Thăng Long năm 1789. |
Tôn Sĩ Nghị - người được Hòa Thân nâng đỡ
Sáng mùng Năm tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn bất ngờ kéo đến ba mặt vây thành Thăng Long. Trong khi các tướng liều chết chống cự, chỉ huy quân Thanh Tôn Sĩ Nghị lại vội vàng đem mấy trăm thân binh vượt cầu phao sông Nhị Hà (sông Hồng) chạy sang bờ bắc khiến binh lính mất hết tinh thần, vội vàng chạy theo.
Theo sách Thánh vũ ký viết thời nhà Thanh thì "Tôn Sĩ Nghị sau khi qua được sông, lập tức chặt đứt cầu phao đoạn hậu, những người còn ở bờ sông phía Nam như Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triệu Long trở xuống và phu dịch hơn một vạn người rơi xuống sông chết đuối".
Vừa chạy vừa chống trả quân truy kích, đến ngày 11 tháng Giêng, Tôn Sĩ Nghị mới vượt qua được ải Nam Quan. Với thất bại nặng nề này, Tôn Sĩ Nghị đã nhận sự trừng phạt của triều đình nhà Thanh.
Tác giả Nguyễn Duy Chính khảo cứu từ các tài liệu nhà Thanh cho biết, Tôn Sĩ Nghị sinh năm 1720, mất năm 1796, xuất thân là nho sinh quê ở tỉnh Chiết Giang, có tài nhưng lận đận đường thi cử. Ông ta đi thi hai mươi năm liền không qua khỏi kỳ thi hương, mãi đến năm 1759, khi đã 40 tuổi, mới đỗ cử nhân. Đến năm 1761, ông ta đậu tiến sĩ, nhưng không có tiền lo lót nên không được bổ làm tri huyện như thông lệ.
May cho ông ta, mùa xuân năm 1762, vua Càn Long đi tuần du phương Nam, mở khoa thi đặc biệt để tuyển chọn nhân tài, họ Tôn ứng thí, đỗ đầu và được bổ nhiệm vào chức Trung thư Nội các khi đã 43 tuổi. Ông ta được thăng dần lên Lang trung bộ Hộ, Đại lý tự thiếu khanh, Đốc học Quý Châu (1770-1774), Bố chính Quảng Tây và Tuần phủ Vân Nam (1775).
Quan lộ của Tôn Sỹ Nghị dính trắc trở khi cấp trên của ông ta là Tổng đốc Vân Quý Lý Thị Nghiêu bị kết tội tham nhũng, Tôn cũng bị cách chức vì không tố cáo. Nhưng khi tra xét nhà riêng của ông ta, thấy không có tài sản gì nên vua Càn Long thương tình, chuyển Tôn về làm Hàn lâm viện biên tu để trông coi việc biên soạn bộ sách khổng lồ Tứ khố toàn thư.
Có tài liệu cho rằng, từ lúc này, ông ta bắt đầu ăn cánh với đại thần Hòa Thân nên được thăng tiến nhanh chóng một cách khó hiểu. Đầu tiên ông ta được điều làm Bố chính Sơn Đông (1782), rồi chuyển về làm Tuần phủ Quảng Tây (1783), Tuần phủ Quảng Đông (1784).
Năm 1786, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phú Lặc Hồn bị tố cáo tham nhũng, triều đình giao cho Tôn Sĩ Nghị điều tra. Dù là cấp dưới, nhưng Tôn vẫn điều tra ngay thẳng, Phú Lặc Hồn bị mất chức, Tôn Sĩ Nghị được bổ nhiệm làm Tổng đốc Lưỡng Quảng.
Sau khi cầm quân sang nước ta và bị quân của vua Quang Trung đánh bại mùa xuân năm 1789, Tôn Sĩ Nghị bị cách chức Tổng đốc, tước bỏ tước vị Nhất đẳng Mưu dũng công. Nhưng ông ta lại được điều về kinh thành giữ chức... Binh bộ Thượng thư, sung làm Quân cơ đại thần, rồi đến cuối năm đó được bổ về làm Tổng đốc Tứ Xuyên, rồi Lưỡng Giang (Giang Nam và Giang Tây) Tổng đốc.
Năm 1792, ông ta lại được thăng lên Văn Uyên các Đại học sĩ, kiêm Lễ bộ Thượng thư.
Năm 1796, Tôn Sĩ Nghị được cử cầm quân đi đánh loạn Bạch Liên giáo ở Tứ Xuyên và chết trên đường hành quân, nên được truy tặng tước công. Tôn Sĩ Nghị không có con, nên vua Thanh cho người cháu là Tôn Quân được thế tập tước bá.
Theo tổng kết trong Việt Thanh chiến dịch, sử nhà Thanh thống kê chi tiết rằng trong trận chiến mùa xuân năm 1789, tổng số quân Thanh tử trận là 11.780 người, trong đó có 186 võ quan các cấp.