Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tom Szaky - người xây dựng đế chế từ rác thải

Tom Szaky đã trở thành triệu phú tại Mỹ nhờ việc thu lượm các loại rác thải và chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Tom Szaky - người xây dựng đế chế từ rác thải

Tom Szaky đã trở thành triệu phú tại Mỹ nhờ việc thu lượm các loại rác thải và chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Tom Szaky năm nay mới 29 tuổi. Chàng trai đến từ Canada này từ hai bàn tay trắng chỉ trong 10 năm đã xây dựng một đế chế hoành tráng từ rác thải với doanh thu khoảng 14 triệu USD/năm. Doanh nghiệp Terracycle của anh chuyên thu gom rác thải để chế biến thành các loại sản phẩm khác nhau. Tính tổng cộng, Terracycle đã thu gom 2 tỷ kiện rác của 15 nước và chế biến thành diều, nắp đậy bồn cầu hay loa đài. Tom nổi tiếng ở Mỹ nhờ công việc này và giờ đây doanh nghiệp của anh đang bành trướng ra nước ngoài.

Không giống như các triệu phú đôla bảnh bao khác, Tom có phong cách bên ngoài khá bụi bặm. Anh thường không cạo râu, ăn mặc như những người bình thường, đội mũ của cầu thủ bóng chày, áo phông mầu xanh lá mạ, bên ngoài khoác áo sơ mi không cài khuy cổ và luôn kè kè chiếc balo đựng laptop.

Tom Szaky - người xây dựng đế chế từ rác thải

6 lần thất bại mới biết tới thành công

Khi mới 14 tuổi, Tom thành lập công ty chuyên thiết kế website thuê. Công ty chỉ có ba nhân viên và Tom đã nổi danh ở Canada do giành được giải nhất trong cuộc thi thiết kế ở nước này. Tuy nhiên, anh chưa thành công về mặt kinh tế.

Mặc dù vậy, Tom không phải dạng người dễ bỏ cuộc. Anh nhiệt tình, hăng hái và hoàn toàn không khoe khoang khi kể về những ý định của mình. Tom biết cách động viên khích lệ người khác và anh tận dụng sở trường này của mình mọi lúc, mọi nơi.

Tính tổng cộng, Tom khởi nghiệp 6 lần, và cả 6 lần đều không thành công. Mãi đến năm 2001, anh mới được hưởng ánh hào quang, khi cùng với một bạn học ở trường ĐH Princeton, thuộc tiểu bang New Jersey, thành lập công ty Terracycle. Hiện tại, Terracycle có trên 100 công nhân viên. Năm 2010, doanh nghiệp thu được 150.000 USD lợi nhuận. Cuối năm 2011, Tom quyết tạo doanh thu 20 triệu USD và bành trướng sang 20 nước.

Tom Szaky nói: "Thật tuyệt vời khi tôi kiếm ra tiền, đồng thời lại giúp ích cho hành tinh của chúng ta. Với tôi, kiếm tiền là điều quan trọng nhất. Từ đấy nảy sinh các chuyện khác".

Mô hình kinh doanh của Tom khá đơn giản. Khi các trường học, hiệp hội và hộ gia đình đăng ký vào trang mạng của Terracycle, họ có thể gửi miễn phí các loại rác thải như vỏ chai nhựa, bao bì, các túi đựng tới Terracycle. Terracycle chuyển số rác thải này tới các doanh nghiệp chuyên chế biến rác thải thành nguyên liệu, thí dụ ép các túi đựng giấy hoặc ni-lông thành nguyên liệu để làm túi xách khi đi mua đồ, hoặc để sản xuất ghế công viên. Các nhà hảo tâm chi tiền cho công việc này cũng như giúp cho khâu vận chuyển.

Trong khi đó, tại hãng Terracycle, một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia thiết kế mẫu mã phối hợp nghiên cứu, tìm ra các khả năng mới để tái chế rác hoặc biến rác thải thành nguyên liệu làm ra các sản phẩm mới, hoặc làm cơ sở để làm ra các mẫu mã mới, thí dụ như làm áo khoác từ túi Capri-Sonne và quần áo chế biến từ bao bì của hãng M&M. Hãng dùng những sản phẩm này nhằm mục đích quảng bá, tiếp thị cho mình.

Ấn tượng mạnh mẽ về tái chế xanh

Tại Mỹ đã có 12,5 triệu người và trên 60% các trường học tham gia cùng Terracycle. Đối tác phía doanh nghiệp có các nhà kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng cỡ lớn như Kraft, Mars và L’Oréal.

Đối với người dân Mỹ, vốn ít hiểu biết về tái chế (Recycling), thì ý tưởng của Tom được coi là một sự kiện đầy ấn tượng. Bên cạnh việc kiếm tiền, Tom chăm lo giữ gìn tên tuổi, uy tín của mình. Anh là người có ý thức tằn tiện trong cuộc sống. Ngôi nhà của anh, không xa Princeton là bao, cũng khá khiêm tốn.

Tom Szaky - người xây dựng đế chế từ rác thải

Đi lên từ…giun

Ngay từ thời học năm thứ nhất ở Princeton, trong một lần tới thăm bạn bè ở Montreal, Canada, Tom ngạc nhiên quan sát những khóm cây cần sa (Marihuana) phát triển xum xuê nhờ được bón phân giun mà lũ giun này lại được nuôi bằng thức ăn thừa. Và Tom lập tức nghĩ đến tiền mà người ta có thể kiếm được nhờ loại phân bón này. Vậy là một ý tưởng mới mẻ đã ra đời.

Tom vay mượn bạn bè 20.000 USD để mua một cái máy sản xuất phân giun. Sau đó, anh cho phân vào những cái chai nhựa đã sử dụng và bán làm phân bón. Để có thức ăn nuôi giun, Tom thuyết phục nhà trường cho mình xin khoản "nước vo gạo" của nhà bếp. Mỗi ngày anh làm việc 10 tiếng đồng hồ trong một gara ô tô, mùi xú khí bốc lên nồng nặc. Điều làm Tom lo lắng nhất là chưa có một nhà đầu tư nào đoái hoài đến ý tưởng phân giun này của anh.

Trời đã không phụ công anh, khi vào năm 2004, tập đoàn kinh doanh bán lẻ Walmart ở Mỹ và chuỗi siêu thị kinh doanh hàng xây dựng The Home Depot đã đưa phân giun của anh vào danh mục hàng hóa của họ. Ít lâu sau, nhu cầu về phân giun đóng chai tăng vọt, đến mức Tom không thu gom đủ vỏ chai cũ để làm bao bì. Tom kêu gọi các trường học thu gom chai dùng rồi và tìm nhà tài trợ thanh toán khâu vận chuyển vỏ chai đến cơ sở sản xuất phân giun. Ý tưởng tài trợ cho việc thu gom chất thải ra đời từ đây.

Một ngày nọ, ông Seth Goldman, người sáng lập hãng sản xuất nước giải khát Honest Tea của Mỹ ngỏ ý đề nghị Tom chế biến những bao chứa nước chè dùng rồi thành vật hữu ích. Tom sáng tác ra một loại túi từ những bao bì đựng chè. Thành công này làm ông Goldman hết sức phấn khởi. Sau vụ này, hàng loạt hãng sản xuất hàng tiêu dùng đề nghị Tom biến những bao bì đóng gói của họ thành vật dụng hữu ích. Tom thay đổi hướng đi, hãng Terracycle cho đến thời điểm đó chuyên sản xuất phân giun nay tập trung vào việc tái chế vỏ chai nhựa và sản xuất túi mua hàng, đồng thời đảm nhiệm khâu môi giới nguyên liệu.

Năm 2012, hãng Terracycle dự định sẽ phát triển hoặc trao chứng chỉ cho các sản phẩm tái chế mới như bình tưới hoặc thùng đựng rác, những sản phẩm này trước đây chỉ bán qua mạng, nay bắt đầu có bán tại các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ.

Việt Phương

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm