Cụ thể, giá tôm hùm xanh chỉ còn 580.000 đồng/kg, giảm 60-70% so với cùng thời điểm này năm trước; tôm hùm bông loại 1 (trên 1kg/con) cao nhất cũng chỉ 1,1 triệu đồng/kg, giảm 50% so với với tháng trước.
Bà Nguyễn Thị Châu Pha, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh (TP Cam Ranh), cho biết người nuôi tôm đang đối mặt với tình cảnh khó khăn vì giá giảm sâu trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Các hộ khi thu hoạch tôm đều rơi vào cảnh thua lỗ, hộ nuôi vài lồng thì lỗ 20-30 triệu đồng, hộ nuôi nhiều thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Như hộ ông Nguyễn Chí Lem, có 50 lồng với 5.000 con tôm hùm, mỗi ngày riêng tiền thức ăn đã tốn 5-6 triệu đồng nên ông đành bán giá thấp.
"3.000 con tôm mà chỉ đủ tiền thức ăn, còn lại lỗ tiền giống gần 1 tỷ đồng. Thương lái nói bên Trung Quốc tăng thuế, nên họ nhập hàng ít. Họ hô giá bao nhiêu, tôi biết bấy nhiêu chứ thị trường tiêu thụ mình không nắm rõ", ông Lem nói.
Tôm hùm Khánh Hoà đang rớt giá. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trước nay người nuôi tôm hùm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng gần đây phía Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu chính ngạch và phải bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn nên nguồn cung ứ đọng.
"Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu phương án để hỗ trợ bà con ngư dân", ông Sơn chia sẻ.
Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết việc Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch đã được chi cục cảnh báo từ cuối năm 2018. Để xuất được hàng sang thị trường này, các hộ nuôi tôm hùm phải đăng ký nuôi trồng với cơ quan quản lý theo đúng quy hoạch, phải truy xuất nguồn gốc tôm như con giống ở đâu, nuôi ở đâu, quy trình sản xuất ra sao...
Tuy nhiên, người nuôi không nắm được vấn đề nên không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Do đó, thương lái cũng không thể thu mua để xuất sang Trung Quốc được.
Theo ông Én, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 26 về hướng dẫn Luật Thủy sản. Nghị định này quy định rõ người nuôi trồng thủy sản phải đăng ký theo danh mục, chính quyền địa phương xác nhận, người nuôi phải nuôi trong vùng quy hoạch... Dù vậy, ông Én thừa nhận để thực hiện quy hoạch vùng nuôi cũng như tuyên truyền cho người nuôi hiểu đầy đủ sẽ mất khá nhiều thời gian.
Được biết, Khánh Hòa là thủ phủ tôm hùm của cả nước với lượng nuôi tôm trên 49.000 lồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn người nuôi theo quy hoạch, đăng ký kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc.