Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tôi từng xấu hổ khi mang trong người dòng máu châu Á'

Sau nhiều năm chối bỏ nguồn gốc châu Á, giờ đây Charles Melton tự hào thừa nhận anh là diễn viên mang hai dòng máu Mỹ - Hàn.

nguoi My goc Han bi thu ghet anh 1

Tôi là Charles Melton.

Tôi được mọi người biết đến qua vai diễn trong phim loạt phim Riverdale, đóng cùng Will Smith trong Bad Boy for Life.

Tôi sinh năm 1991 và lớn lên ở vùng Jeneau, Alaska, Mỹ. Ký ức về tuổi trẻ của tôi khá rõ rệt. Tôi trở thành diễn viên bằng cách rất tình cờ. Bố mẹ đã vay tiền, thu dọn đồ đạc đến Los Angeles, dẫn tôi đến buổi thử giọng. Tôi chính thức trở thành diễn viên, chỉ từ việc tôi nghe tuyển dụng trên radio.

Giờ đây, tôi đã khá nổi tiếng và có khoảng 7 triệu người theo dõi trên Instagram. Tôi cứ ngỡ cái tên Charles Melton đã nổi tiếng và không có gì ngăn cản được mình.

Nhưng tôi đã lầm.

Là một người Mỹ gốc Á, tôi phát hiện sự thật đau lòng là bản thân vốn chịu nhiều sự kỳ thị.

Tôi là ai?

Tôi thường bị người khác nói rằng nhìn tôi không giống người châu Á. Họ cũng cho rằng đặc điểm hình thể của tôi chẳng giống người da trắng.

Đó là lúc tôi tự hỏi: “Tôi là ai”.

Tôi luôn bị mâu thuẫn bởi chủng tộc của mình, đi kèm với đó là những tổn thương. Với nhiều người mang thuần dòng máu da trắng hoặc châu Á, điều đó có thể bình thường. Nhưng với tôi, đây là điều rất khủng khiếp.

nguoi My goc Han bi thu ghet anh 2

Charles Melton nhiều năm giấu đi nguồn gốc châu Á.

Vì vậy, tôi muốn kể điều này cho các bạn, những người luôn yêu mến và bên cạnh tôi.

Bố mẹ tôi gặp nhau ở Hàn Quốc.

Khi bố tôi đóng quân ở đó với tư cách là người lính, họ đã gặp và yêu nhau bất chấp sự phản đối, tương lai mịt mù của chính họ và những đứa con.

Kết quả của mối tình là ba người con lần lượt chào đời, trong đó có hai chị gái Patricia và Tammie và tôi - Charles Melton.

Chúng tôi sinh ra ở vùng Juneau, Alaska và trải qua tuổi thơ ở nhiều căn cứ quân sự, trong đó có Trại Humphreys ở Hàn Quốc, Pháo đài Hood ở Texas, và Doanh trại Stork ở Đức.

Suốt nhiều năm, cha tôi hoàn thành nghĩa vụ người lính và chiến đấu vì đất nước. Tôi tự hào vì ông lập công ở chiến trường Iraq và Afghanistan. Ông đã dành phần lớn cuộc đời để đổi lấy sự tự do cho chúng tôi và những người dân Mỹ.

Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là một công dân Mỹ kiêu hãnh. Tôi tự hào khi mang trong người dòng máu Mỹ và luôn biết ơn vì hưởng đặc quyền tự do ở nơi được mệnh danh là “giấc mơ Mỹ”.

Có ai mang dòng máu Mỹ nhiều hơn tôi - một công dân có cha là người lính liều mình phục vụ và bảo vệ đất nước? Nhưng thực tế tôi đã lầm.

Vài tháng qua, tôi đã tìm hiểu lại nguồn gốc của mình.

Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về mẹ. Những kỷ niệm của tôi với bà vốn rất mơ hồ. Thế giới của tôi và mẹ vốn rất xa lạ. Nhất là với văn hóa Hàn Quốc, tôi càng không biết gì.

Giờ đây tôi nhận ra đó là nỗi đau.

Gia đình tôi có "mùi buồn cười", xấu hổ vì ăn kim chi

Tôi nhớ mọi người đã nói chuyện với mẹ và cho rằng bà không nên xuất hiện ở quốc gia này, nước Mỹ không phải là nơi của bà. Những câu nói hạ bệ mẹ dần nung nấu trong tôi những ý nghĩ mới. Có điều gì đó lớn dần trong người tôi mà khó nói nên lời.

Tôi phải thừa nhận một sự thật là tôi không hề biết bảo vệ mẹ khi còn trẻ. Điều đó làm tôi tan nát. Thuở nhỏ, lũ bạn từng nhận xét nhà tôi “có mùi buồn cười” vì những bữa cơm mang phong cách Hàn Quốc. Bàn ăn luôn có kim chi là điều khiến tôi xấu hổ với bạn bè.

Ở trường, tôi chưa bao giờ được học về lịch sử người Mỹ gốc Hàn hay những thứ tốt đẹp về người Mỹ gốc Á. Khi đã lớn, tôi nhận ra một điều rằng: "Nếu không bao giờ tìm hiểu về lịch sử của chính mình, bạn có tồn tại không?".

Như bao đứa trẻ khác, điều tôi cố gắng thực hiện là hòa nhập ở trường, theo đuổi giấc mơ Mỹ bằng cách trở thành ngôi sao. Và hiển nhiên, điều đau lòng là tôi luôn giấu nhẹm nguồn gốc của mẹ, đồng thời kiềm chế bản sắc châu Á trong người mình.

Tôi thậm chí từng làm mọi người cười nghiêng ngả vì trò đùa phân biệt người châu Á - điều mà bất cứ dân “da trắng thượng đẳng” nào cũng từng làm.

Suốt thời gian đó, mẹ đã rất đau lòng nhưng bà luôn kìm nén. Bà không biết làm gì khác ngoài tự trách bản thân, mang trong mình gánh nặng ba đứa con từ chối nguồn gốc.

Nhưng tôi đã sai.

Giờ đây, với sự gia tăng liên tục của những thù hận, tội ác khủng khiếp với cộng đồng người gốc Á, tôi dần nhận ra những điều trước đây chưa từng nghĩ tới. Tôi đã suy nghĩ, xem xét bằng cách nhớ lại những trải nghiệm của chính mình, lật lại quá khứ và cố gắng hiểu tất cả.

Cuối cùng, tôi nhận ra một điều rằng bản thân mình chưa từng tự hào về nguồn gốc châu Á hay bảo vệ di sản Hàn Quốc, dù có một nửa dòng máu Hàn đang chảy trong người mình.

Tôi sẽ không im lặng

Tôi đau lòng vì cố tình bỏ qua sự phân biệt chủng tộc và những hành vi xúc phạm đối với tôi và những con lai giống như mình. Tôi đã thất bại trong việc bảo vệ nguồn gốc châu Á vì sợ bị tẩy chay, thậm chí là trả thù.

Giờ đây, tôi liên tục tự hỏi có phải sự nhu nhược, im lặng của mình đã góp phần để kẻ khác có cơ hội kỳ thị, gây ra bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á.

Tôi đã làm gì để duy trì những định kiến, sự thật ​​tàn nhẫn này? Tôi có thể làm được nhiều hơn cho cộng đồng của mình không? Tôi có thể nói thêm không? Tôi đã sợ điều gì?... là những câu hỏi luôn luẩn quẩn trong đầu tôi.

Ngày nay, tất cả đã thay đổi.

Tôi sẽ không còn im lặng. Đất nước tôi hiện tại tràn ngập những thù hận, tội ác thậm chí những xác người gốc Á đã ngã xuống. Điều đó buộc tôi phải nhận ra tầm quan trọng của việc phải lên tiếng và sống có trách nhiệm.

Chủ nghĩa khủng bố do thù hận, phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Bạo lực vẫn xuất hiện tràn lan, nhất là đối với người châu Á.

Tôi đang cố gắng tìm cách kết hợp quá khứ và hiện tại. Thừa nhận mình là con lai, mang trong người hai dòng máu Hàn - Mỹ là bước đầu tiên của sự thay đổi. Thành thật mà nói tôi chưa biết mình sẽ làm gì để chứng minh sự thay đổi, nhưng điều trước mắt là lên tiếng cho xã hội đang dần mục ruỗng này.

Tôi luôn muốn sử dụng các phương tiện truyền thông và công việc của mình để đổi lấy sự ủng hộ. Tôi luôn muốn kể những câu chuyện mang tính toàn diện về một người Mỹ gốc Á.

Tôi muốn dung hòa danh tính và chấp nhận con người thật của mình, bất chấp những nỗi đau, sự kỳ thị có thể xảy đến bất cứ khi nào. Tôi muốn xóa bỏ sự thù hận chủng tộc bằng cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện, sự quan tâm, thấu hiểu và lòng tốt mà tôi đang có.

Cuối cùng, tôi vẫn ở đây, trên chính đất Mỹ.

Tôi là Charles Melton. Tôi tự hào khi là người Mỹ gốc Hàn.

'Người gốc Á không phải là vật tế thần'

Nhiều ngôi sao lên tiếng chống lại nạn thù ghét người gốc Á đang diễn ra gay gắt trên đất Mỹ.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm