Vụ xả súng làm 8 người chết ở Atlanta, trong đó có 6 người gốc Á làm dấy lên làn sóng tranh cãi gay gắt. Không chỉ người dân, giới sao tại Hollywood cảm thấy bị uy hiếp, đe dọa và không an toàn.
Theo Los Angeles Times, báo cáo của Stop AAPI Hate cho thấy có 3.795 vụ tấn công chống lại người Mỹ gốc Á kể từ đầu đại dịch COVID-19. Những vụ tấn công đã tăng gần 150% vào năm 2020.
"Con số này chỉ là phần nhỏ vì nhiều vụ không được báo cáo", nghiên cứu cho biết.
Ngày 20/3, nhiều cuộc biểu tình chống lại người gốc Á diễn ra. Không chịu được sự thù ghét chủng tộc, nhiều ngôi sao hòa vào trào lưu chống lại sự phân biệt, phong trào @StopAsianHate diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Thực tế đáng buồn
"Hãy chú ý những gì đang xảy ra", Gemma Chan - ngôi sao người Anh gốc Hong Kong, diễn viên phim Con nhà siêu giàu châu Á - chia sẻ bài viết về vụ xả súng đăng trên The New York Times.
“Sự phân biệt chủng tộc và bạo lực tình dục luôn liên quan đến nhau. Chúng ta cần phải ngăn chặn hành vi mất nhân tính đối với người châu Á. Người gốc Á không phải vật tế thần cho Covid-19. Chúng ta cần đoàn kết chống lại mọi hình thức thù hận. Xin đừng im lặng”, nữ diễn viên lên tiếng.
Lana Condor - nữ diễn viên gốc Việt, ngôi sao được chú ý qua loạt phim To All the Boys của Netflix cũng lên tiếng vì sự việc.
"Mọi người hãy thức tỉnh. Bạn bè và gia đình châu Á của chúng ta đang vô cùng sợ hãi, kinh hoàng, đau đớn và tức giận. Hãy sát cánh cùng nhau và chống lại sự thù hận", nữ diễn viên viết trên mạng xã hội.
George Takei - diễn viên gạo cội được biết đến qua vai diễn Hikaru Sulu trong series Star Trek - cũng lên tiếng vì sự phân biệt người châu Á. "Kẻ giết người luôn nhắm vào người châu Á. Điều tốt nhất có thể làm ở hiện tại là lên tiếng chống lại bạo lực, phân biệt chủng tộc ở quốc gia này", ngôi sao 84 tuổi khẳng định.
Nhiều sao bất bình vì sự thù ghét người gốc Á diễn ra trên đất Mỹ. |
Margaret Cho - diễn viên hài độc thoại, người thường xuyên lên tiếng các vấn đề chủng tộc, tình dục - cũng không im lặng: "Tôi rất tức giận vì những gì đang xảy ra ở Mỹ. Khi giết 6 người phụ nữ châu Á, đó là tội ác khủng bố. Đừng giết chúng tôi nữa".
Không chỉ người gốc Á, nhiều ngôi sao và lãnh đạo Mỹ đã lên tiếng bảo vệ cộng đồng người châu Á.
"Ngay cả khi đang trong cuộc chiến căng thẳng với đại dịch, chúng ta vẫn đối mặt với nạn bạo lực súng đạn kéo dài ở Mỹ. Dù chưa rõ động cơ của kẻ xả súng, danh tính của các nạn nhân nhấn mạnh sự gia tăng đáng báo động về việc chống lại người châu Á", cựu Tổng thống Barack Obama viết trên Twitter.
Obama cũng khẳng định ông và vợ Michelle đang cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ và tất cả người đang đau buồn vì những vụ giết người tàn khốc. "Tôi hy vọng việc kêu gọi hành động có ý nghĩa sẽ cứu được nhiều mạng người", ông viết thêm.
Ca sĩ Rihanna cũng chia sẻ lại bài báo nói về vụ xả súng tàn khốc ở Atlanta, kèm theo đó là hashtag #StopAsianHate nhằm ủng hộ người gốc Á sống trên đất Mỹ.
"Tội phạm giết hại bất cứ cộng đồng, chủng tộc ở Mỹ đồng nghĩa với việc chống lại toàn bộ người dân trên đất nước này. Chia buồn cùng gia đình nạn nhân", doanh nhân gốc Phi viết trên trang cá nhân.
Ca sĩ John Legend cũng thấy khủng hoảng vì những gì đang diễn ra trên đất Mỹ. "Điều đó hoàn toàn kinh khủng. Xin gửi lời yêu thương đến tất cả người thân của nạn nhân. Nước Mỹ nên để ý đến những vụ bạo lực leo thang nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á", giọng ca All of Me viết.
Vì sao người châu Á không đáng bị kỳ thị?
Việc các vụ tấn công nhắm vào người châu Á phần lớn đến từ việc bùng phát đại dịch Covid-19. Nhiều dân Mỹ cho rằng châu Á - đặc biệt là Vũ Hán, Trung Quốc là nguồn khởi phát khiến hàng triệu dân Mỹ rơi vào cảnh lao đao.
"Chúng ta nên biết rằng corona không phải là virus Trung Quốc. Chúng ta không thể biết nó bắt nguồn từ đâu. Không có ích gì khi lên tiếng chỉ trích, tẩy chay và hạ bệ người châu Á", Lý Hương Ngưng - con gái Lý Tiểu Long - lên tiếng.
Nhà sản xuất chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump - người đã liên tục gọi nCoV là virus Trung Quốc - vì đã làm dấy lên làn sóng chống lại người châu Á, dẫn đến những cuộc tấn công đau lòng.
Người châu Á phải chật vật sống trên đất Mỹ. |
Điều đó hoàn toàn không đáng. Cũng như người da trắng, dân da đen hay người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á vẫn vật lộn từng ngày với Covid-19 và tìm cách thoát khỏi đại dịch.
“Nhiều người Mỹ gốc Á làm việc trong lĩnh vực y tế. Họ đang liều mạng đi làm mỗi ngày để cố gắng cứu mạng bạn. Việc bị đe dọa mỗi ngày khiến họ sợ hãi. Nhiều người gốc Á sợ bị tấn công khi đang trên đường đi làm. Nếu những người này không đi làm, bạn sẽ không được chăm sóc", Celia Au, sao phim Wu Assassins nói với The Hollywood Reporter.
Nữ diễn viên cho rằng những người Mỹ gốc Á đang trở thành "vật tế thần" và là mục tiêu công kích không đúng chỗ. Trước đó là #WashTheHate, gần đây là #StopAsianHate sẽ xóa nhòa điều đó. "Chúng tôi không thể im lặng. Nhiệm vụ của chiến dịch là đưa ra những câu chuyện mang tính xây dựng và xóa bỏ thù hận", cô nói.
Trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter, Celia Au nói lên sự thất vọng của lãnh đạo khi gọi nCoV là virus Trung Quốc, Kung Flu (Cúm Kung) - dạng đọc lệch của Kung Fu. "Điều này có thể tạo hiệu ứng xấu cho toàn bộ người dân Mỹ, gây hại cho nhiều người", cô nói thêm.
Guy Aoki, lãnh đạo Mạng lưới Hành động Truyền thông dành cho Người Mỹ gốc Á, nói với Hollywood Reporter rằng ông lo ngại mọi chuyện sẽ phức tạp hơn khi các rạp phim, lĩnh vực giải trí hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, ông khẳng định nếu ai đó bị phân biệt đối xử vì là người châu Á khi làm việc ở Hollywood, tổ chức của ông sẽ sẵn sàng giúp đỡ. "Nếu chúng tôi nghe nói rằng bất kỳ nhân viên hoặc biên kịch, diễn viên nào trên trường quay bị phân biệt đối xử, chúng tôi sẽ nổi giận vì đó là điều không đáng. Ai cũng đáng được tôn trọng như nhau", Aoki khẳng định.