"Lựa chọn sản phẩm ở siêu thị thì tiện lợi đấy, nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải xếp hàng dài chờ thanh toán, rồi ùn ứ ở hầm gửi xe của các siêu thị, trung tâm thương mại là tôi thấy mệt", chị Minh Thư (32 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.
Khu vực thu ngân chật kín tại một siêu thị những ngày cận Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Từ khi kết hôn, vợ chồng chị không những lo mua sắm Tết cho gia đình nhỏ mà còn sắm sửa cho nội ngoại hai bên. Vậy nên, việc đến siêu thị, trung tâm thương mại vào dịp này là nỗi ám ảnh lớn. Thế nhưng, từ khi chuyển sang mua sắm trực tuyến, quỹ thời gian của chị cũng không vơi bớt là bao.
Tốn hàng giờ kiểm tra hàng hóa, giá cả, phí ship
Một trong những lợi điểm của mua sắm trực tuyến, theo chị Minh Thư, là việc dễ dàng so sánh hàng hóa giữa các nhà phân phối.
Trước khi đặt mua, chị kiểm tra kỹ những trang nào đang bán mặt hàng cần tìm, rồi so sánh giá bán, phí ship, chế độ đổi trả, chăm sóc khách hàng của những nơi đó.
"Có nơi giảm giá bán trên sản phẩm, có nơi miễn phí vận chuyển, có nơi lại có quà tặng kèm, phải tính toán kỹ thì mới không bị hớ, chưa kể còn mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng", chị Thư chia sẻ.
Không riêng gì chị Thư, chị Hoài An (29 tuổi, sống tại quận 2, TP.HCM) cũng cho biết, trung bình chị mất khoảng 30 phút để quyết định mua một món đồ trên các sàn thương mại điện tử.
"Tết đến toàn sắm đồ giá trị lớn nên tôi cũng cân nhắc nhiều hơn. Hôm trước ngồi gần 2 tiếng đồng hồ trước laptop, tôi mới đặt xong đơn hàng gồm bánh kẹo, mứt Tết, bộ ly thủy tinh, chén trà và mấy bức tranh treo Tết", chị Hoài An nói.
Khi được yêu cầu so sánh với lượng thời gian bỏ ra khi mua sắm tại các điểm bán thông thường, chị cho rằng không tiết kiệm hơn là mấy. "Tính ra tôi cũng dành hàng giờ so giá trên các sàn thương mại điện tử thay vì xếp hàng ở siêu thị đấy chứ", chị chia sẻ.
Mặc dù vậy, những người tiêu dùng này đều khẳng định việc mất nhiều thời gian chủ yếu do chưa quen mua sắm các mặt hàng này trên nền tảng trực tuyến. Còn về cơ bản, họ đánh giá đây vẫn là xu hướng tốt, giúp hạn chế thời gian di chuyển và tránh tình trạng đông đúc, mệt mỏi vào các ngày cận Tết.
TMĐT: Sàn giao hàng xuyên Tết, sàn giảm giá mạnh tay
Tiki và Sendo là 2 sàn thương mại điện tử hoạt động xuyên Tết với nhiều chương trình khuyến mãi và cam kết giao hàng nhanh.
Cụ thể, dịch vụ TikiNow (giao hàng trong vòng 2 giờ) được thực hiện xuyên Tết, áp dụng tại 6 tỉnh, TP gồm TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ. Đối với các đơn hàng tiêu chuẩn, trang thương mại điện tử này sẽ gián đoạn trong 3 ngày từ 29 tháng Chạp đến hết mồng 1 Tết Âm lịch.
Tương tự, Sendo cũng cam kết giao hàng trong vòng 3 tiếng tại các địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Còn Lazada ngoài dịch vụ giao hàng trong vòng 4 tiếng tại 2 TP này, cũng cho biết sẽ khai thác tối đa các điểm nhận hàng linh động như collection point và smart locker để đảm bảo thuận tiện mua sắm cho khách hàng.
Giao hàng nhanh và linh hoạt điểm nhận được các sàn TMĐT khai thác triệt để dịp Tết. Ảnh: Lazada. |
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết đơn vị sẽ thực hiện giao hàng đến hết ngày 30 Tết, bởi tin rằng sức mua sẽ tăng cao trong những ngày cận Tết.
Thực tế, các trang thương mại điện tử khác cũng đánh giá cao điểm mua sắm chủ yếu rơi vào 2 tuần trước Tết. Hầu hết chương trình khuyến mãi được tiến hành từ thời gian này. Trong đó, Tiki là đơn vị thực hiện lễ hội mua sắm Tết dài nhất, kéo dài từ 26/12/2019 để đáp ứng nhu cầu sắm sửa Tết Dương lịch và Âm lịch. Kế đến là Shopee (17 ngày) và Lazada (10 ngày).
Các trang thương mại điện tử đều lên kế hoạch khuyến mãi lớn dịp này. Trong đó, mức khuyến mãi lên đến 50%, đồng thời các khung giờ flash sale cũng được đẩy mạnh.
"Chúng tôi sẵn sàng đầu tư chi phí để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết này, thậm chí cao hơn một số chương trình chủ lực trong năm vừa qua, đặc biệt là đầu tư vào vận chuyển", đại diện Sendo chia sẻ với Zing.vn.
Siêu thị giảm giá sâu, tăng số giờ phục vụ
Trong cuộc chiến bán lẻ mùa Tết 2020, các hệ thống siêu thị, siêu thị mini cũng lên kế hoạch thu hút người tiêu dùng.
Trong đó, các chuỗi Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Sense City, Cheers của ông lớn Saigon Co.op tăng thêm giờ mở cửa phục vụ Tết từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt, các hệ thống này chỉ nghỉ hoàn toàn ngày mùng 1 Tết, riêng cửa hàng tiện lợi Cheers mở cửa 24/24 xuyên Tết.
Big C cũng mở cửa phục vụ khách hàng đến 23h mỗi ngày từ 1 tuần trước Tết. Trong ngày 30 Tết, chuỗi siêu thị này mở cửa đến 14h và hoạt động bình thường từ ngày mồng 2 Tết. Đáng chú ý, hầu hết siêu thị trong hệ thống này đều mở gấp đôi quầy thanh toán.
Đối với các trung tâm thương mại Vincom và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+, thời gian hoạt động đến trưa ngày 30 tháng Chạp và mở cửa trở lại từ ngày mồng 4 Tết.
Bên cạnh việc kéo dài thời gian phục vụ, các điểm bán lẻ này cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi lên đến 50% và tặng quà kèm theo tùy ngành hàng.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết sẽ giảm giá mạnh thêm cho nhóm thịt heo, thực phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà, các loại rau củ và trái cây, đặc sản phục vụ mâm cỗ Tết trong tuần cận Tết.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Big C và Go! cũng cam kết giữ nguyên chương trình bán thịt heo bằng giá vốn, không lấy lợi nhuận trong dịp Tết năm nay, trong bối cảnh giá thịt heo đang tăng lên từng ngày.
Bia và nước giải khát là mặt hàng có sức mua tăng cao vào mùa Tết ở các siêu thị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đối với ngành hàng bia và nước giải khát, trao đổi với Zing.vn, đại diện các siêu thị đều chia sẻ thông tin sức mua tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
Các giỏ quà Tết cũng là mặt hàng được lựa chọn nhiều. Theo ước tính của Saigon Co.op, mỗi ngày các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile tiêu thụ gần 12.000 giỏ quà tết các loại, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp đôi so với tuần trước. Trong đó, nhóm giỏ quà tiêu thụ mạnh nhất là mức giá 300.000-600.000 đồng.