Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Andrew Gebhart từ trang công nghệ Cnet về trải nghiệm uống bia làm từ nước thải.
Tay tôi run lên khi tôi đưa một ly Reuse Brew lên môi. Bình thường, tôi không ngại uống bia. Thế nhưng khi uống loại bia có tên Reuse Brew, được làm từ nước thải tái chế, tôi khá e dè.
Trong đầu tôi vẫn nghĩ nó sẽ ổn, vị sẽ ngon nhưng tôi vẫn đấu tranh tư tưởng rằng nó được làm từ chất thải.
Tôi đang ở Berlin, Đức để tham dự sự kiện triển lãm công nghệ IFA. Tiện thể, tôi ghé thăm một trong những nơi xử lý nước thải của thành phố này.
Bia làm từ nước thải của 1,3 triệu người
Nhà máy xử lý nước thải đặc biệt này hợp tác với một công ty công nghệ nước có tên Xylem để biến bia Reuse Brew thành một phần của dự án đặc biệt. Dự án giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và sự quan tâm của công chúng đối với nước tái chế.
Nước thải được chứa ở những bể lộ thiên với mùi kinh khủng. Ảnh: CNET. |
Khi tham quan nhà máy, tôi có cơ hội nhìn thấy tất cả công đoạn lọc nước, bao gồm cả những hồ chứa lộ thiên với toàn phân và bùn. Mùi phát ra từ những hồ chứa này là thứ kinh khủng nhất từ nhỏ đến giờ tôi từng ngửi.
Nó giống tôi đang đứng trong một căn phòng nơi có 1 triệu người vừa đi vệ sinh. Và đúng như nghĩa đen, nơi đây xử lý nước thải của 1,3 triệu người dân Berlin.
Trong chuyến tham quan này, tôi thấy được các công nghệ hấp dẫn liên quan đến quy trình xử lý nước thải. Trong đó có một cỗ máy tạo ra ozone, phân hủy chất thải ở cấp độ phân tử. Một cỗ máy khác sử dụng bộ lọc carbon chuyên dụng để loại bỏ 99,999% các chất ô nhiễm và hóa chất.
Bia Reuse Brew chỉ là dự án thử nghiệm nhưng giúp mọi người cởi mở hơn với nước thải đã qua xử lý. Ảnh: CNET. |
Ở mức độ nào đó, tôi biết đây là nước sạch. Nhưng tôi vẫn ám ảnh khi tưởng tượng mình sắp uống một ngụm bia được làm từ thứ nước trong các bể chứa lộ thiên có mùi kinh khủng kia.
Thế nhưng bia rất tuyệt. Đó là một loại bia có màu nâu mạch nha với hoa bia và carbonate cân bằng độc đáo. Nó được ủ như các loại bia truyền thông khác của Đức.
Không chỉ là bia, nó là tương lai của nước sạch toàn cầu
Mặc dù bia Reuse Brew chỉ là một dự án thử nghiệm nhưng công nghệ đằng sau nó có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của bia nói riêng và nước uống nói chung.
"Thực tế, hầu hết thành phố đều phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn nước. Nước có lẽ là thành phần quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng cho một thành phố", Joe Vessey, Giám đốc Tiếp thị của Xylem nói với tôi về sự cần thiết của các dự án như Reuse Brew.
Xử lý nước thải tiết kiệm gấp nhiều lần nhập khẩu nước sạch. Ảnh: CNET. |
Theo Vessey, vài năm trước, các thành phố như Sao Paolo (Brazil), Cape Town (Nam Phi) và lưu vực sông Hằng từng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Nó đe dọa đến nguồn nước sạch của hàng triệu con người.
Các thành phố có thể trả tiền để nhập khẩu nước sạch hoặc nước biển khử muối để uống. Thế nhưng, cả hai giải pháp trên đều tốn kém gấp nhiều lần việc tái chế nước.
"Chúng tôi thấy rõ rằng nước thải ngày càng được coi là một nguồn tài nguyên quý giá", Jens Scheideler, Giám đốc Toàn cầu của thương hiệu Reuse tại Xylem.
Các dự án tương tự đã được triển khai ở nhiều nơi như California và Singapore. Các cơ sở xử lý nước thường xuyên hợp tác với Xylem và nhiều công ty công nghệ tương tự để tìm ra các giải pháp hiệu quả.
Vấn đề không phải công nghệ mà là tâm lý người uống
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất khi sử dụng nước tái chế chính là tâm lý. Tôi đã phải tự thuyết phục mình rất nhiều trước khi uống thứ nước từng là chất thải của con người. Nhưng may mắn thay, thứ nước tôi uống là bia. Nó kích thích tôi thử nghiệm một thứ vừa ngon vừa có lợi cho môi trường.
Bia là một phần quan trọng trong văn hóa Đức. Tại quốc gia này, Reinheitsrideot - luật về độ tinh khiết rất nghiêm ngặt. Luật này có từ những năm 1500 và bia tái chế Reuse Brew đã đáp ứng các tiêu chuẩn.
Những cỗ máy có thể lọc 99,999% nước thải. Ảnh: CNET. |
Ngoài ra, Bộ Y tế Liên bang Đức và các trường đại học địa phương thực hiện nhiều phân tích về chính loại bia này. Tất cả đã đều đồng ý về sự an toàn của sản phẩm.
Bên cạnh bia, Xylem và Reuse cũng làm rượu vang và vodka bằng nước tái chế. Họ đã hợp tác với Manchester City tại giải Ngoại hạng Anh để biến nước mưa được lấy từ sân vận động thành bia Heineken, phục vụ tại các trận đấu.
Ngoài các yếu tố về công nghệ và lòng tin, tên gọi của loại nước đã qua xử lý cũng ảnh hưởng đến thành công của dự án. Tại San Diego, người ta gọi nước tái chế là "nước tinh khiết". Ở Singapore, thuật ngữ "NEWater" được dùng để gọi nước qua xử lý. Hai thuật ngữ trên sẽ giúp dự án thành công.
Trước đây, nước tái chế được gọi là "toilet to tap" (nước nhà vệ sinh đến nước uống). Theo Vessey, tên gọi này có thể giết chết các dự án tái chế nước.