Tỷ phú Richard Branson và các thành viên ban nhạc Rolling Stones. Nguồn: thetimes. |
Khi dịch vụ đặt hàng qua thư Virgin lớn mạnh, tôi bán tờ Student cho một công ty xuất bản khác. IPC Magazines là khách hàng quan tâm duy nhất. Và chúng tôi đã có những cuộc thương lượng kéo dài, đỉnh điểm là cuộc gặp mà họ đã mời tôi tiếp tục làm biên tập. Tôi đồng ý làm, nhưng sau đó lại phạm sai lầm là đã kể cho họ nghe về các dự án tương lai của mình. […]
Lúc tôi say sưa trình bày ý tưởng của mình, thì tôi thấy ánh mắt họ kinh ngạc. Họ nghĩ tôi là người điên. Họ quyết định không thể giữ một người mất trí như thế làm biên tập cho Student. Và cuối cùng là họ quyết định không mua nữa. Student đã chết một cách âm thầm như vậy. Còn các kế hoạch cho tương lai của tôi thì bị xếp xó.
Chúng tôi đành dành toàn bộ tâm trí cho dịch vụ đặt hàng qua thư Virgin. Khi nhìn vào đống đơn đặt hàng khổng lồ và thấy nhu cầu cần tổ chức việc mua đĩa nhạc ở đâu và làm cách nào bán chúng tới khách hàng đã khiến tôi nghĩ tới việc phải tìm một người giúp đỡ. Tôi là người duy nhất phải lo chuyện trả lương cho mọi người. Ngay cả khi tiền lương rất ít thì cũng khó có đủ lợi nhuận để chi phí cho khoản này. Chỉ có một người tôi có thể tìm tới nhờ vả: Nik. Tôi muốn người bạn cũ của mình trở lại.
Tôi cố quên đi việc Nik đã định lật đổ tôi và vẫn đề nghị chia cho cậu ta 40% giá trị công ty đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin vừa thành lập, nếu cậu ấy làm việc với tôi. Cậu ta đồng ý ngay. Chúng tôi không thương lượng nhiều về khoản chênh lệch 60-40%. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều thấy đây là sự phản ánh công bằng những gì mỗi người trong chúng tôi đóng góp cho việc kinh doanh. […]
Trong suốt năm 1970, dịch vụ đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin rất phát đạt.
Sau đó, vào tháng 1/1971, chúng tôi gần như sụp đổ vì một sự việc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát: công nhân bưu điện đình công. Dưới sự dẫn dắt của Tom Jackson, Tổng thư ký Công đoàn ngành bưu điện, các nhân viên chuyển phát thư bỏ việc và bưu điện phải tạm ngưng hoạt động các thùng thư. Công việc kinh doanh đặt hàng qua điện thoại của chúng tôi bị ngưng trệ: Khách hàng không thể gửi séc cho chúng tôi; còn chúng tôi lại không thể gửi đĩa nhạc cho họ. Chúng tôi phải làm cái gì đó.
Tôi và Nik sau đó quyết định mở một cửa hàng để bán đĩa. Chúng tôi chỉ được phép tìm cửa hàng trong một tuần, trước khi cạn sạch tiền. Lúc đó chúng tôi không hề có khái niệm gì về hoạt động của cửa hàng. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là bằng cách nào đó phải bán được đĩa, nếu không công ty sẽ sụp đổ. […]
Chúng tôi muốn cửa hàng của Virgin Records phải trở thành một hoạt động mở rộng của Student; một nơi mà mọi người có thể gặp gỡ và nghe nhạc cùng nhau; nơi mà họ không chỉ đơn thuần được kêu gọi ghé qua một cách vội vã, mua đĩa rồi đi. Chúng tôi muốn họ ở lại lâu hơn, nói chuyện với nhân viên bán hàng và thật sự hòa mình say sưa cùng những đĩa nhạc mà họ chọn mua. […]
Chúng tôi muốn cửa hàng Virgin Records phải là nơi giải trí thú vị để khách hàng tìm đến những khi họ có thời gian. Chúng tôi muốn gắn bó với khách hàng, chứ không phải là giáo huấn hay lấn lướt họ; và chúng tôi muốn giá cả phải rẻ hơn các cửa hàng khác.
Để đạt được tất cả mục tiêu ấy là một nhiệm vụ khó, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng số tiền sử dụng để tiếp tục tạo ra không khí mới và lợi nhuận thu được từ việc bán giá rẻ có thể nhiều hơn, do khách hàng mua nhiều đĩa hơn.
Tôi và Nik đã dành một buổi sáng để đếm số người qua lại phố Oxford, so với số người qua lại phố Kensington. Cuối cùng chúng tôi quyết định rằng, vị trí cuối phố Oxford giá rẻ hơn sẽ là địa điểm tốt nhất để lựa chọn. […]
Chúng tôi khảo sát tại địa điểm có nhiều người qua lại nhất trên phố và bắt đầu tìm kiếm một cơ sở còn trống tại đó. Chúng tôi nhìn thấy một cửa hàng bán giày dép bên cạnh lối cầu thang dẫn lên tầng lầu trông có vẻ còn trống. Chúng tôi lên đó xem xét địa điểm. […]
Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ mở cửa hàng bán đĩa tại đây và chỉ được sử dụng địa điểm ấy không trả tiền thuê tới khi có ai muốn thuê nó. […]
Một ngày trước khi khai trương cửa hàng, chúng tôi phát hàng trăm tờ rơi dọc con phố Oxford quảng cáo dịch vụ bán đĩa giá rẻ. Trong ngày đầu tiên, hôm đó là thứ hai, một dòng người dài tới cả trăm thước xếp hàng bên ngoài cửa hàng. Tôi đứng tại quầy tính tiền, khách hàng ra vào đông nườm nượp. Khách hàng đầu tiên mua một đĩa nhạc của Tangerine Dream, nhóm nhạc Đức mà chúng tôi đã bán rất chạy qua dịch vụ đặt hàng qua thư Virgin. […]
Trong năm 1971, Nik quản lý cửa hàng bán đĩa trên phố Oxford, Debbie điều hành Trung tâm Tư vấn Sinh viên, còn tôi chịu trách nhiệm chung, tìm kiếm các cơ hội mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi từ các ý tưởng của Student sang Virgin. Và đến đúng thời điểm thích hợp chúng tôi đã đổi tên Trung tâm Tư vấn Sinh viên thành một địa chỉ từ thiện mới, gọi là HELP! Trung tâm này vẫn hoạt động cho tới ngày nay, nhưng trong khuôn khổ của Virgin Unite, được tiến hành các hoạt động từ thiện trên phạm vi rất rộng.
Tôi không hiểu biết nhiều về ngành công nghiệp thu âm, nhưng qua những gì tôi thấy ở cửa hàng bán đĩa tôi có thể hiểu rằng đây là một ngành kinh doanh không chính thức, không hề có những quy định khắt khe. Nó có tiềm năng vô hạn để phát triển: Một ban nhạc mới có thể bất thình lình lập một kỷ lục lớn, hay sự say mê biến thành mốt, như đối với The Bay City Rolles, Culture Club, The Spices Girls hay Busted. […]
Là một nhà bán lẻ, Virgin không chịu ảnh hưởng từ thành công hay thất bại của một nhóm nhạc nào đó, miễn là vẫn có các ban nhạc mà mọi người vẫn thích mua đĩa của họ. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu bó hẹp sống dựa vào lợi nhuận của bán lẻ, thường là rất nhỏ; và tôi đã thấy rằng, tiềm năng thật sự để kiếm tiền trong ngành công nghiệp âm nhạc này nằm ở chính những công ty thực hiện thu âm. […]
Vì thế, năm 1971 tôi bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà ở nông thôn để có thể biến nó thành một phòng thu âm.